Chị Trần Thị Lan Anh ở xã Hợp Hoà, Tam Dương, Vĩnh Phúc khá bất ngờ khi được cán bộ Công an đến tận nhà thông báo người điều khiển xe máy do mình đứng tên sở hữu không đội mũ  bảo hiểm. Chợt nhớ chuyện ít hôm trước mình cho bạn trai là Nguyễn Văn Phương, SN 1987 mượn đi. Khi cán bộ CSGT đưa hình ảnh ra, chị Lan Anh nhận ra đúng anh Phương đang điều khiển chiếc xe của mình nên đã liên lạc với anh Phương yêu cầu đến cơ quan công an làm việc, nộp phạt. Về phía anh Phương, dù khá bất ngờ khi biết việc mình bị ghi hình do không đôi mũ bảo hiểm nhưng anh Phương vẫn vui vẻ lên nộp phạt, làm bản kiểm điểm, hứa sẽ không tái phạm.

Anh Lê Quang Cảnh, SN 1987 ở xã Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc cũng “giật mình” khi trưởng thôn đến nhà yêu cầu đến trụ sở Công an xã làm việc vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Vốn là thanh niên, có chút “sĩ” nên đôi lúc ra đường anh Cảnh không đội mũ bảo hiểm. Nhìn hình ảnh vi phạm do cán bộ CSGT đưa cho xem, anh Cảnh thừa nhận ngay mình chính là chủ phương tiện cũng đồng thời là người điều khiển không đội mũ bảo hiểm. Bị nộp phạt 150.000đ vì không đội mũ bảo hiểm nhưng anh Cảnh khá vui vẻ. Anh cho biết “Rút kinh nghiệm từ nay tôi không dám vi phạm nữa. Để các chú công an đến tận thôn làm việc thế này thì ai cũng biết “tội” của mình, ngại lắm”...

 Được biết, việc xử lí người vi phạm TTATGT qua thiết bị kỹ thuật được CBCS Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc triển khai từ tháng 10-2016 đến nay, đã đạt được hiệu quả rõ rệt, chứng minh đây là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần giữ gìn trật tự ATGT trên địa bàn.

Hình ảnh vi phạm do camera ghi lại

Thiếu tá Lê Tiến Thành, Đội trưởng Đội TTKS, Phòng CSGT Công an Vĩnh Phúc cho biết: “người tham gia giao thông khi bị phát hiện, dừng xe để xử phạt thì thường có tâm lí chống đối, nhất là đối với các thanh niên trẻ, nghịch ngợm. Nhiều người bất chấp nguy hiểm để trốn chạy. Chính vì vậy, việc xử phạt  “nguội” là giải pháp hữu hiệu để xử lý đối với nhiều người có ý thức kém, nhất là đối với những thanh niên “tóc xanh, tóc đỏ” lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho mình và người khác”.

Trước kia, tại đoạn qua điểm giao cắt giữa cầu vượt Vĩnh Yên và đường Hai Bà Trưng (TP Vĩnh Yên) từng xảy ra một số trường hợp người điều khiển xe mô tô đi theo hướng cầu vượt và rẽ phải vào đường Hai Bà Trưng nhưng không bật đèn tín hiệu báo rẽ, không đội mũ bảo hiểm. Khi vừa phát hiện lực lượng CSGT đứng ở gần đó thì đột ngột quay xe đi ngược lại với ý định chạy trốn lực lượng chức năng và gây ra va chạm với người đi đằng sau. May mắn là không có ai bị thương, nhưng sự việc đã gây mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, tại nhiều điểm, nhiều đoạn đường giao thông trên địa bàn thường xảy ra tình trạng khi có CSGT đứng điều hành thì người dân tuân thủ Luật GTĐB rất tốt, song chỉ cần “vắng bóng” lực lượng chức năng thì đâu lại vào đó. Nhiều người có thói quen và suy nghĩ chủ quan như đi gần nhà, đi trong xã, đi chợ nên không đội mũ bảo hiểm; chở 3, chở 4 gây nguy hiểm cho chính mình cũng như những người tham gia giao thông khác.

Để thực hiện việc xử lý hành vi vi phạm bằng hình thức phạt “nguội”, lực lượng CSGT đã sử dụng camera bí mật ghi nhận hình ảnh vi phạm. Sau đó, hình ảnh camera sẽ được ghi lại, trích xuất đảm bảo đủ 4 yếu tố pháp lý là ghi được không gian, thời gian vi phạm, lỗi vi phạm và biển số đăng ký của phương tiện vi phạm. Trên cơ sở đó, bộ phận đăng ký, quản lý phương tiện sẽ tiến hành xác minh chủ phương tiện; phối hợp với lực lượng công an xã, phường, thị trấn xác minh người điều khiển phương tiện vi phạm và gửi thông báo vi phạm. Lực lượng công an sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt trực tiếp tại gia đình người vi phạm hoặc mời người vi phạm đến trụ sở Phòng CSGT để làm việc.

CSGT Vĩnh Phúc đối chiếu, tra cứu hồ sơ phương tiện

Đại uý Nguyễn Quang Đăng, Phó trưởng phòng CSGT cho biết, sau khi áp dụng thí điểm ở TP Vĩnh Yên đã đem lại hiệu quả rõ rệt, hiện nay, đã được cấp trên chỉ đạo nhân rộng ra toàn tỉnh ở tất cả các huyện, thị, thành phố. Việc triển khai phạt “nguội”, vừa đảm bảo việc xử lí nghiêm các vi phạm, vừa có tính tuyên truyền, giáo dục cao vì khi CSGT đến làm việc tại địa phương thì những người khác cũng biết, bản thân người vi phạm sẽ ngại không dám vi phạm nữa, những người khác cũng sẽ tự giác chấp hành. Bên cạnh đó, còn nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện trong trường hợp cho mượn, sang nhượng nhưng không đổi chủ vì có thể sẽ bị Cảnh sát “gọi” nếu người sử dụng vi phạm”.

Được biết, đối với trường hợp sử dụng biển số giả và những trường hợp không phối hợp trong việc nộp phạt, lực lượng CSGT gửi hình ảnh xe vi phạm đến các tổ, chốt tuần tra ngoài đường, khi phát hiện các xe này tham gia giao thông sẽ tạm dừng để xử lý; đồng thời, gửi danh sách đến cơ quan đăng kiểm. Đối với trường hợp xe ngoại tỉnh, trong thời gian tới khi hình thức phạt “nguội” được áp dụng ở tất cả các địa phương thì sẽ thực hiện liên kết xử phạt giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do vậy, kể cả các phương tiện biển trong tỉnh nhưng vi phạm ở địa bàn tỉnh khác vẫn bị xử lý vi phạm.

Kết quả, từ tháng 10-2017 đến nay, lực lượng CSGT Vĩnh Phúc đã ghi hình 1.727 trường hợp vi phạm, xác minh được 1.367, ra quyết định xử phạt 1.321 trường hợp, phạt tiền 175 triệu đồng, cảnh cáo 68 trường hợp.

Như vậy, rõ ràng hình thức “phạt nguội” đã đem lại hiệu quả rõ rệt, vừa nâng cao ý thức người tham gia giao thông, hạn chế nguy hiểm cho người khác khi lái xe cố tình bỏ chạy, trốn tránh lực lượng chức năng.

Theo Cục CSGT