Không vứt rác ngoài đường, không vứt rác nơi công cộng, không vứt rác xuống cống  rãnh, kinh rạch, không vứt rác bừa bãi ngoài ruộng đồng hay bất kỳ nơi nào đó là đòi hỏi đầu tiên bắt buộc mọi người đang sốn muốn cuộc sống ngày càng sạch hơn. Không ai khác chính người vứt rác bừa bãi sẽ nhận lãnh hậu quả ô nhiễm môi trường do chính mình gây ra. Một xã hội trật tự ngăn nắp, một mạng lưới giao thông an toàn khi và chỉ khi từ trẻ con cho đến người già, ai ai cũng có ý thức giữ gìn, chung tay bảo vệ.

Không ai phủ nhận “sạch tốt hơn xấu”. Vậy tại sao chúng ta không xây dựng ý thức "sạch là tốt" để nó trở thành phổ biến. Khi “sạch là tốt” trở thành phổ biến, chúng ta sẽ có văn hoá sạch sẽ, ngăn nắp. Để xây dựng được văn hoá sạch sẽ cộng đồng và mỗi người cần:

 1. Có trách nhiệm với rác thải của bản thân:

Đi bất kỳ đâu, ở bất lỳ nơi nào, mỗi người nên chuẩn bị một số bọc nilong. Hãy cho rác thải sinh hoạt của bản thân vào túi nilong ấy. Phải có trách nhiệm với rác thải của chính mình và đừng mong đợi người khác xử lí giúp. Chính vì thế, đi tới đâu cũng vậy, luôn chuẩn bị sẵn một túi nilong để có thể đựng rác thải và sau đó đem tới nơi xử lí đúng quy định.

Phải có trách nhiệm với rác thải của chính mình ( ảnh minh hoạ)

2. Tận dụng lại túi nilong:

Mỗi ngày khi ra chợ, hay đi mua sắm, bạn nhận được nhiều túi nilong từ việc đựng hàng hoá, nhu yếu phẩm. Hãy tái sử dụng những túi này để đựng rác thải của chính bạn. Bên cạnh đó, những chiếc túi nilong còn giúp bạn hạn chế vứt rác vào thùng rác công cộng và như một lời nhắc nhở về ý thức giữ vệ sinh chung. Ngoài ra, không chỉ ở các cửa hàng tiện lợi, trên các chuyến xe buýt đường dài ở đây, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một chiếc túi nilong có tác dụng tương tự. 

Nên tái sử dụng túi nilong để đựng rác thải.

3. Tự giác giữ vệ sinh chung

Ở  Cà Mau hay bất kỳ đô thị nào ở nước ta, hình ảnh quen thuộc thường thấy vào mỗi buổi sáng là bóng dáng các cô chú công nhân đang cặm cụi quét dọn đường phố. Hãy dân thay đổi hình ảnh này. Trước hết vì phố phường không còn rác vứt bừa bãi. Bên cạnh đó,cần lắm các bà nội trợ, cô y tá, chú bảo vệ hoặc các nhân viên văn phòng,... mọi người tự dọn vệ sinh quanh nhà ở hoặc khu vực làm việc của mình.  Nếu ai cũng tự giác ra tay dọn dẹp làm sạch môi trường xung quanh khi có rác, không cần phải chờ đợi công nhân đến dọn hay ai đó nhắc nhở, thì hình ảnh chị lao công sẽ dần dần biến mất.

Nhân viên văn phòng quét dọn khu vực trước công ty vào giờ trưa. ( ảnh minh hoạ)

4. Phân loại rác kĩ càng

Không nên vứt tất cả rác thải sinh hoạt vào một túi và bỏ vào thùng rác chung của khu phố là xong mà ngược lại phải phân loại rác cực kì cẩn thận. Từng túi nilong đựng từng loại rác thải khác nhau. Thùng cactong được tách ra rồi xếp chồng lên nhau trước khi buộc dây, sách, báo hay tạp chí được phân riêng theo từng loại giấy và chai hũ nhựa phải đổ sạch đồ thừa trước khi cho vào túi rác tái chế. Phải có những thùng rác đựng từng loại,  Điều này giúp người xử lí rác tiết kiệm thời gian hơn và thể hiện sự tôn trọng đối với công việc của họ. 

Các loại sách báo, đồ nhựa được phân loại và bỏ vào từng túi riêng.

5. Thanh niên tình nguyện làm vệ sinh

Mỗi năm đến tháng thanh niên, lại có phong trào thanh niên tình nguyện chung tay vệ sinh môi trường, sau đó đâu lại vào đó, thiết nghĩ, cần hình thành một bộ phân chuyên nghiệp, thường xuyên, kêu gọi mọi người chung tay dọn vệ sinh ở các khu vực giao thông cao điểm như bến tàu, bến xe, công viên. Mọi người cùng chung tay những lon nước ngọt, soda hay giấy gói thức ăn nhanh và cả những mẩu giấy nhỏ hay tàn thuốc lá ẩn sâu trong bụi cây.

Cần có bộ phận chuyên trách kêu gọi mọi người chung tay dọn dẹp môi trường. ( ảnh minh hoạ)

6. Giữ xe cộ và đường xá sạch bóng

Đường sá và xe cộ, dù là xe buýt công cộng hay xe tải thương mại, thậm chí là xe tải chở xi măng, đất cát đều phải sạch sẽ. Mỗi đêm, sau khi đã hoàn thành công việc, người tài xế cần tẩy rửa xe sạch sẽ. Việc giữ sạch xe cộ của bản thân cũng một phần đóng góp vào việc làm sạch đường phố.

Xe tải cần được rửa và lau chùi sạch sẽ. (ảnh minh hoạ)

7. Tham gia cộng đồng dọn dẹp vệ sinh

Vấn đề này cần sự đầu tàu của chính quyền cơ sở và các đoàn thể tại đây. Mỗi người dân phải có trách nhiệm tham gia vào cộng đồng dọn dẹp vệ sinh của khu phố, khu dân cư. Chính quyền sẽ đưa ra lịch dọn dẹp cố định mà các hộ gia đình trong khu phố, khu dân cư phải tuân theo và thực hiện nghiêm túc. Mỗi người một tay cùng nhặt rác, cắt cỏ dại hoặc dọn rửa nhà vệ sinh công cộng sẽ thúc đẩy công việc được hoàn thành nhanh hơn. Cứ như vậy, khu phố, khu dân cư luôn được giữ sạch đẹp và họ có thể tự hào về thành quả mà họ chung tay làm ra. 

Cần đặt ra lịch dọn dẹp cố định và các hộ gia đình phải thực hiện nghiêm túc. ( ảnh minh hoạ)

Tất cả những hành động xuất phát từ sự sạch sẽ, ngăn nắp sẽ làm cho môi trường sống, đường sá sạch hơn, an toàn hơn

Kiều Oanh.