Các phương tiện xe mô tô cũ kĩ được chế lại để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa.

Hình ảnh người điều khiển những chiếc xe 2 bánh gắn máy khá cũ kĩ,với phía sau là những những kiện hàng cồng kềnh như: bia, nước giải khát, gas, nước lọc, nước đá,… đã gần như quen thuộc với nhiều người dân sống trong nội ô Thành phố Cà Mau.

Do nhu cầu giảm chi phí trong vận chuyển, hầu hết các cơ sở kinh doanh có nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nội ô thành phố Cà Mau, đều tận dụng các loại xe 2 bánh đời cũ, có giá thành rẻ, sau đó “độ” lại để chuyên chở.Hầu hết các loại phương tiện này, đã được người sử dụng thay đổi nhiều chi tiết của nhà sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuậtnhư: thay đổi kết cấu khung sườn, không còi, không đèn, có cả xe không có biển số…có phương tiện khi bắt gặp, chúng ta chỉ thấy có vỏn vẹn phần khung, sườn dính vào đó phần động cơ.

Bên cạnh đó, đa phần người điều khiển phương tiện loại này, thường xuyên chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ qui định, cũng có khi phóng nhanh, vượt ẩu, nẹt pô tạo nên hình ảnh phản cảm, gây bức xúc cho người đi đường.

Ghi nhận thực tế tại cơ sở kinh doanh nước đá của hộ ông Hoàng Hoài H ngụ địa bàn khóm 4, phường 6, Thành phố Cà Mau. Cơ sở này sử dụng 3 xe mô tô loại này, để làm phương tiện chuyên vận chuyển nước đá, trong đó, có đến 2 chiếc là loại xe Honda đời 67 đã qua gần 50 sử dụng, đã được chủ cơ sở tận dụng lại, các bộ phận hầu như đã cũ kĩ, rỉ sét theo thời gian.Ông Hoàng Hoài H chủ cơ sở này chia sẻ:“Do cơ sở kinh doanh nhỏ, nguồn vốn để đầu tư các loại xe mới rất khó khăn, do đó, đành phải trưng dụng các loại xe cũ này. Cũng thấy là mất an toàn, lưu thông ra đường bị Cảnh sát giao thông bắt thì cũng đành chịu”. Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều những cơ sở kinh doanh nhỏ, có nhu cầu vận chuyển trong nội ô Thành phố Cà Mau đang sở hữu các loại xe “cà tàng” theo kiểu này, mỗi nơi một lý do, viện giải cho chuyện khó khăn trong kinh doanh của mình, mà cứ như thế hằng ngày, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn có hàng trăm chiếc xe theo kiểu như thế này, vẫn vô tư lưu hành bất chấp những mối nguy hiểm đang rình rập.

Nhằm phòng ngừa mối nguy tiềm tàng từ các loại phương tiện xe “cà tàng” này, Đội Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Cà Mau đã có nhiều biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát, thường xuyên mở nhiều đợt ra quân xử lý với loại phương tiện này, trung bình mỗi ngày xử lý 2 đến 3 trường hợp vi phạm. Theo Trung tá Trần Việt Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Cà Mau cho biết: “Lực lượng CSGT đã mở nhiều đợt ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý, tiến hành tạm giữ các phương tiện không đủ điều kiện lưu hành, đã có rất nhiều phương tiện bị tạm giữ, tuy nhiên, vấn đề xử lý vi phạm đối với các chủ sở hữu loại phương tiện này gặp rất nhiều khó khăn, đa phần các loại xe này có giá trị thấp, do đó, khi bị xử lý chủ sở hữu thường bỏ luôn xe. Những phương tiện bị tạm giữ quá thời hạn quy định, chúng tôi đã tiến hành thanh lý theo đúng quy định của Nhà nước”.

Không riêng gì địa bàn thành phố Cà Mau, mà các loại xe này vẫn tồn tại nhan nhản tại nhiều địa phương khác trong tỉnh. Vấn đề xử lý vi phạm của loại xe này vẫn đang là bài toán hóc búa từ phia cơ quan chức năng.

Chí Diện