Mặc dù đã có biển chỉ dẫn đường dành riêng cho xe buýt nhanh, nhưngcác phương tiện vẫn đi lấn làn - Ảnh: Tạ Tôn

Nhìn Singapore và Thái Lan ngẫm ở ta

Có dịp đi Thái Lan và Singapore, quan sát trên các đường phố, những điều tôi thấy là sự nhẫn nại, chờ đèn đỏ, không vượt ẩu, biết nhường nhịn và lưu thông đúng làn đường. Nếu ai vi phạm quy tắc xã hội, lệch chuẩn, không tuân thủ quy định ATGT, bất kỳ người dân nào (họ không đơn độc) cũng có quyền nhắc nhở, tỏ rõ thái độ phản đối.

Đến Thái Lan khi vừa ra khỏi sân bay, trên đường về khách sạn, hướng dẫn viên du lịch lưu ý chúng tôi rằng: “Ở đây, ai cũng phải tuân thủ quy định giao thông, không xả rác bừa bãi, nếu vi phạm sẽ bị người khác nhắc nhở (chứ không riêng gì cảnh sát giao thông hay cảnh sát du lịch). Kể cả đêm khuya, đứng trên lầu 5 khách sạn ở Bangkok nhìn xuống, tôi thấy làn đường dành cho ôtô đang nối đuôi nhau di chuyển rất chậm nhưng không một chiếc xe nào lấn sang làn đường xe máy dù đang khoảng trống. Ngày hôm sau, lúc tham quan Hoàng cung, anh bạn trong đoàn vứt tàn thuốc lá dưới lối đi, liền bị người bản địa nhắc nhở.

Về phía quản lý Nhà nước, tới đây cũng cần tổ chức giao thông sao cho phù hợp, phân làn riêng cho xe máy và ôtô trên những trục đường chính, bước đầu tăng cường lực lượng phạt thật chuẩn và thật nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo thói quen nền nếp khi tham gia giao thông.

Ở Singapore càng hơn thế, trên đường phố vào giờ cao điểm rất đông nhưng phương tiện vẫn lưu thông theo trật tự dù không thấy có cảnh sát hay lực lượng điều tiết giao thông. Tôi ngạc nhiên và thắc mắc thì hướng dẫn viên giải thích: “Cảnh sát chỉ xuất hiện khi ai đó cần giúp đỡ, đèn tín hiệu hư hỏng”. Dẫn chứng, khi tôi đang loay hoay chuẩn bị qua đường tại một con phố, một người phụ nữ bản địa liền tới giải thích: “Chỗ này không phải để qua đường, rất nguy hiểm” và chị hướng dẫn chúng tôi đi tiếp khoảng 50m sẽ thấy vạch sơn trắng, là chỗ cho người đi bộ qua đường.

Phương tiện tham gia giao thông ở Singapore

Tôi có cảm nhận, người dân ở Thái Lan và Singapore rất chú trọng không gian công cộng, nghiêm khắc trước những hành vi bị cho là lệch chuẩn, không tuân thủ quy ước xã hội. Buổi sáng vào giờ cao điểm, dòng người hối hả với những bước chân vội vã, nhưng khi đến ga tàu thì sắp hàng theo thứ tự, sẵn sàng dừng lại để giúp đỡ người tàn tật. Trên toa tàu, những hàng ghế ưu tiên luôn được dành cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Ở đây không lâu, với những sai sót trong giao thông được người bản xứ góp ý và hướng dẫn, chúng tôi đã hiểu và luôn chú ý để không tái diễn cảnh tương tự, luôn cảm thấy mọi người đều đang giám sát các hành vi của mình để ý thức hơn trong quan hệ cộng đồng.

 Cộng đồng phải giám sát, lên án hành vi lệch chuẩn

Còn ở ta, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM tại các nút giao thông, ngã tư, ngã ba vào giờ cao điểm luôn có một lực lượng lớn cảnh sát giao thông mà trật tự trên đường vẫn luôn căng thẳng, lộn xộn. Kể cả nơi có đèn tín hiệu, cảnh sát vất vả điều tiết, giao thông vẫn rối. Dễ thấy tại các giao lộ, xung đột giữa các phương tiện khá phổ biến. Dù đang ở chế độ đèn vàng nhưng nhiều người điều khiển xe vẫn cố vượt và tranh thủ nối đuôi nhau gồm xe máy, xe tải, xe hơi, xe buýt, taxi. Lúc này, đèn tín hiệu đã chuyển sang đỏ, dòng xe hướng đèn xanh lao tới, xảy ra xung đột, cứ có chỗ trống là chen vào, ai cũng cố nhích lên một chút. Kết quả là ùn tắc, phương tiện lưu thông mất trật tự, bấm còi inh ỏi và cùng nhau chịu trận.

Trên đường phố rất dễ bắt gặp giới trẻ chạy xe mất an toàn, lấn làn, phóng nhanh, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, thắng gấp, chỉ cảnh giác khi thấy cảnh sát giao thông. Giờ cao điểm thì lộn xộn bởi cảnh điều khiển xe, chỗ nào trống là chen vào, ngược chiều, chạy xe lên vỉa hè, luôn trong tư thế vội vàng. Vạch kẻ dành cho người đi bộ tại các nút giao thông, ngã tư, ngã ba lại trở thành nơi dừng xe chờ đèn tín hiệu. Đèn xanh chưa kịp bật sáng và chỉ còn đợi một vài giây, lần lượt một vài xe máy cố vượt qua, lấn vạch. Người đi bộ thì chọn chỗ mình cho là tiện lợi để băng qua đường.

Đơn cử gần đây, tại ngã tư Đinh Bộ Lĩnh - Chu Văn An (TP.HCM) giờ cao điểm, đường đông phương tiện, trong khi dừng xe chờ đèn đỏ thì nghe tiếng còi nên tôi quay ra phía sau xem thử có phải người quen gọi mình hay không, một thanh niên nói với giọng đầy thách thức: “Anh trai nhích lên chút xíu cho em quẹo phải”. Thấy phía trước là vạch kẻ dành cho người đi bộ, ranh giới phải dừng xe, nếu nhích lên sẽ vi phạm Luật Giao thông và mất an toàn nên tôi làm ngơ, giả như không nghe gì hết. Khi đèn xanh bật sáng, thanh niên này chạy xe vượt lên và quay ngang nói với tôi mấy lời thô tục, rồi rồ máy nẹt pô rẽ vào đường Chu Văn An.

Lần khác ra Hà Nội, được đứa em chở đi bằng xe máy gặp cảnh tắc đường chỉ vì một chiếc ôtô vượt đèn vàng nên chắn ngang giao lộ do xung đột trực tiếp với dòng xe đi thẳng, người thì lấn qua làn đường dành cho xe ngược chiều, người thì chen ngang cố nhích lên phía trước. Tôi thắc mắc, đứa em giải thích: “Có chỗ trống mà không đi thì cũng có người khác đi, chờ biết khi nào?”. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, giờ cao điểm, ùn tắc giao thông nếu không nhường nhịn, ai cũng chen lấn dù biết phía trước có xe càng dễ gây ức chế.

Hà Nội và TP.HCM giờ cao điểm có rất nhiều xe lưu thông trên đường, nếu mỗi người tuân thủ quy định giao thông, biết nhường nhịn không những đảm bảo an toàn cho bản thân mình mà còn cho mọi người xung quanh, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc, kẹt xe. Không cơ quan chức năng nào có đủ người để đi khắp nơi, xử lý từng trường hợp. Người vi phạm Luật Giao thông thường cho rằng, cảnh sát sẽ không thấy hoặc dù có phát hiện, lắm khi cũng không thể xử phạt vì vào giờ cao điểm có đông phương tiện, lo tập trung điều tiết và hướng dẫn giao thông. Do đó, nếu có cả cộng đồng cùng giám sát, ai cũng yêu cầu đối tượng hành xử công bằng và có trách nhiệm trong tham gia giao thông như Thái Lan và Singapore, các hành vi lệch chuẩn hay vi phạm quy ước xã hội sẽ không còn.

Sự giám sát từ công nghệ và mạng xã hội

Trở lại câu chuyện bà Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cùng đồng nghiệp đi ăn trưa trên đường Nguyễn Quý Đức, chỉ vì chuyện đỗ ô tô dẫn đến lời qua tiếng lại với người chủ quán cà phê. Có lẽ câu chuyện sẽ không bị đẩy lên thành vấn đề nếu như không có sự xuất hiện của vị Chủ tịch phường và Trưởng Công an phường Thanh Xuân Bắc tại khu vực bà Trang và đồng nghiệp đỗ xe.

Theo TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học, trong tình huống này, với tư cách là cán bộ công chức, bà Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân nên có ứng xử phù hợp. Thay vì đưa ô tô ra nơi khác đỗ bà lại đứng gọi điện, lát sau cả Chủ tịch phường và Trưởng Công an phường cùng xuất hiện. Cho dù bà Trang có giải thích là hai vị cán bộ trên tự đi ra, nhưng cách giải thích này không khiến dư luận hết hoài nghi và bức xúc.

“Dư luận đặt câu hỏi nếu chỉ là vụ việc của người dân liệu các vị lãnh đạo phường có mặt nhanh đến thế để giải quyết. Người dân cho rằng việc cả Chủ tịch và Trưởng Công an phường xuất hiện để “bênh” cấp trên cũng có cơ sở” – TS Bình nói.

Hình ảnh của Trung tướng Võ Văn Liêm khi bị CSGT dừng xe do lỗi chạy quá tốc độ. 

Cần làm gì để không bị “soi”?

Nhìn nhận về vụ việc nóng khác, đó là vụ của Trung tướng Võ Văn Liêm - nguyên Phó chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy T.Ư - khi bị CSGT TP. Cần Thơ yêu cầu dừng ô tô vì xe chạy quá tốc độ đã có những lời lẽ không hay với viên cảnh sát, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Dù ông Trung tướng nói rằng clip đã bị cắt gọt nhưng người xem vẫn thấy trong clip ông nói nhiều lời lẽ không đúng mực, lệch chuẩn. Dù hoàn cảnh dẫn đến sự nóng giận là thế nào, những với một người có địa vị xã hội như ông Liêm thì không nên có hành xử như thế”.

Vẫn theo TS Bình, trước đó đã có những vụ việc mà người có địa vị cư xử lệch chuẩn khiến dư luận bức xúc như vụ bà Phó Giám đốc Sở ở Bình Thuận bẻ hoa, hay vụ PGS –TS nguyên là lãnh đạo tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội đập kính xe ô tô người khác khi chiếc xe này đỗ chắn cửa nhà mình cũng bị đưa lên mạng xã hội.

"Những người trong cuộc không thể trách mạng xã hội được. Trong xã hội ngày càng phát triển nếu không phải là mạng xã hội thì cũng sẽ có những hình thức khác để giám sát hành động, cách ứng xử của mỗi cá nhân tại nơi công cộng” – TS Bình nói.

Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), khi cán bộ công chức có hành động, cách ứng xử thiếu văn hóa bị đưa lên mạng xã hội, bản thân họ cũng như gia đình phải đón nhận kết cục rất nặng nề. “Có thể ở cơ quan họ không bị phê bình hay khiển trách nhưng với sự đàm tiếu, phê phán của dư luận xã hội, đó chẳng khác những bản án” – LS Tiến nói.

Cả TS Trịnh Hòa Bình, TS Phạm Tất Thắng và TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) đều cho rằng, trong xã hội ngày càng phát triển, với sự giám sát chặt chẽ từ thiết bị công nghệ hiện đại, mỗi một công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức càng phải cẩn trọng trong mỗi hành vi ứng xử, biết cách điều chỉnh hành động đúng với chuẩn mực chung.

“Là cán bộ, công chức không được nghĩ đơn giản là chỉ cần ứng xử tốt trong cơ quan, trong giờ hành chính. Hết giờ làm việc ai cũng trở về với cuộc sống đời thường, khi giao tiếp với xóm giềng, bạn bè, cộng đồng, người cán bộ vẫn phải giữ được cách ứng xử văn hóa trên tinh thần tôn trọng người khác” – TS Khuất Thu Hồng nói.

TS Phạm Tất Thắng bổ sung: Với những người có địa vị, có ảnh hưởng trong xã hội, họ phải luôn tâm niệm mỗi hành vi của mình sẽ bị nhiều người chú ý hơn, bị giám sát bởi nhiều con mắt hơn. Chính vì thế càng phải giữ gìn sự chuẩn mực trong ứng xử. 

Theo Báo giao thông (Đỗ Ngô Trần), báo Dân Việt