Đèn pha ô tô là gì?

Hệ thống đèn ô tô hiện nay bao gồm 4 loại chính sau:

Đèn pha: hệ thống đèn có tác dụng chiếu vật thể ở khoảng cách xa, do đó tầm chiếu của đèn này cao hơn bình thường.

Đèn cos: giúp tài xế quan sát đường ở khoảng cách gần, thậm chí ngay trước đầu ô tô.

Đèn định vị ban ngày: là loại đèn bật xuyên suốt ban ngày nhằm giúp xe đối diện phân biệt.

Đèn sương mù: được thiết kế riêng biệt để có thể quan sát rõ đường đi trong điều kiện nhiều sương mù.

Đèn pha ô tô có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tầm nhìn cho tài xế khi di chuyển trong điều kiện thiếu ánh sáng.

Trong đó, đèn pha là bộ phận quan trọng, được ví như "đôi mắt" của chiếc ô tô giúp tài xế đảm bảo được khả năng quan sát khi di chuyển trong điều kiện thiếu ánh sáng hay vào ban đêm. Bên cạnh kỹ năng lái xe của tài xế, việc điều khiển phương tiện đảm bảo an toàn còn phụ thuộc vào hệ thống đèn xe ô tô.

Đèn pha nằm ở đầu ô tô, nhưng vị trí đặt cao hay thấp sẽ khác nhau tuỳ vào thiết kế của mỗi loại xe. Thông thường, đèn pha ô tô thường gắn liền với nắp ca-pô hoặc lưới tản nhiệt. Tuy nhiên, xu hướng thiết kế xe mới thường di chuyển đèn pha hạ thấp xuống một chút như Mitsubishi Xpander, Hyundai Santa Fe...

Các loại đèn pha ô tô cơ bản hiện nay

Tùy vào từng loại xe và nhu cầu sử dụng của khách hàng, các hãng sản xuất sẽ thiết kế loại đèn pha phù hợp. Hiện nay, trên thị trường thường sử dụng 4 loại đèn pha ô tô sau:

Đèn pha Halogen

Đèn Halogen cho ánh sáng vàng, có khả năng chiếu sáng tốt khi di chuyển trong trời mưa và nhiều sương mù. Loại đèn pha này có cấu tạo đơn giản, độ bền cao, chi phí thấp. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là tiêu hao nhiều điện năng do lượng nhiệt phát ra lớn.

Đèn pha Xenon

Loại đèn pha này có tên gọi khác là đèn HID với ánh sáng có cường độ cao. Tuổi thọ của đèn pha Xenon cao hơn cả đèn Halogen, tiêu thụ ít điện năng và sáng hơn. Nhược điểm của đèn Xenon chính là phát sáng khá chậm và vì tỏa sáng mạnh nên dễ gây ra tình trạng chói mắt cho tài xế đi đối diện. Ngoài ra, chi phí sản xuất và bảo dưỡng của đèn Xenon cao hơn đèn dạng Halogen do cấu tạo phức tạp hơn.

Đèn pha LED

Loại đèn pha này hiện được trang bị khá phổ biến cho các dòng xe hạng sang. Đèn có kích thước nhỏ gọn, chất lượng chiếu sáng tốt, nhanh và có nhiều thiết kế đẹp mắt, hiện đại. Tuy nhiên, lượng nhiệt phát ra của đèn LED khá lớn nên để bảo vệ các bộ phận liên quan, các hãng thường phải trang bị kèm hệ thống làm mát. Chính vì thế, chi phí của đèn pha LED đắt đỏ hơn 2 loại đèn Halogen và Xenon.

Đèn pha Laser

Đây chính là loại đèn pha ô tô hiện đại nhất và đắt nhất hiện nay. Loại đèn này có thể chiếu sáng xa hàng trăm mét, tiết kiệm điện năng nhưng cũng giống như đèn LED, lượng nhiệt tỏa ra của đèn Laser rất lớn. Đặc biệt, nếu xe được trang bị đèn pha Laser thì không bật được chế độ pha nên muốn "nháy pha" thì cần phải lắp đặt thêm đèn Bi-Xenon/LED để hỗ trợ.

Cách bật đèn pha ô tô

Hầu hết, các nhà sản xuất đều thiết kế cách bật đèn xe giống nhau nhưng sẽ có một số hãng lại có cách bật đèn pha xe khác biệt. Điều này khiến người mới sử dụng xe ô tô sẽ cảm thấy bỡ ngỡ khi lần đầu làm quen xe, vậy cách bật đèn pha ô tô như thế nào mới đúng?

Cách bật đèn pha ô tô phổ biến nhất là sử dụng cần gạt bên trái vô-lăng.

Phần lớn hiện nay các mẫu xe đều bật đèn pha ở cần gạt điều khiển bên trái vô-lăng. Ở đây sẽ được thiết kế sẵn các chế độ của xe gồm bật, tắt hoặc chế độ tự động (auto). Để bật đèn xe, bạn chỉ cần quay đầu cần gạt về các nấc có ghi sẵn ON; muốn tắt sẽ quay về nấc OFF; đối với những xe có chế độ tự động thì bạn sẽ để nấc Auto tuỳ chỉnh.

Khi bật ON thì đồng hồ hiển thị ngay sau vô-lăng sẽ sáng với màu xanh lá cây hoặc xanh nước biển với biểu tượng đèn sáng. Khi tắt đèn thì biểu tượng này sẽ biến mất.

Đối với chế độ Auto, đèn xe sẽ tự bật khi trời tối, không đủ ánh sáng để lái xe và tự động tắt khi xe di chuyển đến vùng có đủ ánh sáng. Lưu ý, theo các chuyên gia tư vấn kỹ thuật, chế độ này sẽ hữu dụng khi xe đi ban ngày mà di chuyển vào đường hầm hoặc hầm gửi xe còn ban đêm, bạn không nên để chế độ này.

Đối với các mẫu xe Mercedes-Benz, bật đèn pha ô tô ở khu vực táp-lô gần cửa xe.

Riêng đối hãng xe Mercedes-Benz, khách hàng sẽ không bật đèn ở cần gạt vô-lăng mà thay vào đó sẽ bật ở khu vực táp-lô gần cửa xe. Ở đây, sẽ có một núm xoay hình tròn thể hiện các chế độ bật/tắt hay Auto của đèn xe. Lúc này bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn tương tự thao tác bật đèn như bên trên.

Cách sử dụng đèn pha ô tô hiệu quả

Đối với chế độ đèn pha, tài xế chỉ sử dụng khi xe chạy ở đường cao tốc hay quốc lộ với tốc độ trên 40 km/h. Trong khi đó, ở nội đô, nơi khu dân cư có đông phương tiện di chuyển, bạn buộc phải sử dụng chế độ đèn cos chiếu gần để không ảnh hưởng đến người đi ngược chiều. Đối với những xe hơi hạng sang hiện nay, các hãng đang áp dụng công nghệ đèn tự động điều chỉnh theo góc đánh lái hoặc có xe ngược chiều nên đã hạn chế được việc sử dụng đèn xe thiếu ý thức của một bộ phận tài xế.

Khi muốn chuyển từ đèn pha sang cos, người lái sẽ gạt cần bên trái vô-lăng về phía mình và đẩy ra khi muốn đèn xe trở lại chế độ chiếu xa.

Trong trường hợp muốn bật đèn xi-nhan thì tài xế sử dụng cần gạt bên trái vô-lăng. Khi kéo về bên trái sẽ là bật xi-nhan trái và đẩy về bên phải sẽ sáng hệ thống đèn báo rẽ bên phải. Khi muốn chuyển hướng, chuyển làn đường thì nên bật đèn xi-nhan sớm, quan sát kỹ rồi mới chuyển hướng xe để đảm bảo các xe chạy ở phía sau kịp thời nhận biết tình hình.

Theo Autopro.vn