Đã hơn 20 năm làm nghề đưa đò chở học sinh, trước khi bước vào năm học mới ông Phạm Công Nghiệp lại kiểm tra lại các thiết bị áo phao, ghế ngồi… để chuẩn bị cho 9 tháng hoạt động. Cũng như những chủ phương tiện khác, quan tâm nhất của ông  Nghiệp là những chiếc áo phao của học sinh. Đối với những hộ khá giả mua 1 chiếc áo phao chẳng đáng là bao, nhưng đối với những gia đình có điều kiện khó khăn thì rất cần được hỗ trợ. Ngoài ra, việc phụ huynh chủ động nhắc nhở trẻ sử dụng áo phao để đảm bảo an toàn cũng là 1 vấn đề  đáng lưu ý.

 Ông Phạm Công Nghiệp, ấp Tân Hiệp Lợi B, xã Tân Đức bày tỏ:Để đảm bảo an toàn cho các em khi đi đò, tôi cũng nhắc nhở các em khi đi đò phải mặc áo phao. Nhưng một số gia đình nghèo nên chưa thể mua áo phao cho con em mình, cũng mong muốn các ngành, các cấp cần có sự quan tâm hỗ trợ áo phao thêm để cho những chuyến đò an toàn hơn”.

 

Ông Trần Bạch Đằng, Trưởng ấp Tân Hiệp Lợi B, xã Tân Đức cho biết: “ấp cũng tuyên truyền vận động các chủ phương tiện đò phải nâng cao ý thức trong việc đảm bảo cho các em khi đi học bằng đò, phải mặc áo phao, không chở quá số người quy định”

Ngoài áo phao, một vấn đề được quan tâm hiện nay là hỗ trợ kinh phí đối với học sinh đến trường bằng phương tiện đò, từ lâu đây đã là áp lực đối với nhiều hộ ở địa bàn nông thôn điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập không ổn định. Nắm bắt rõ điều này, đầu năm học 2018, huyện Đầm Dơi cũng đã hỗ trợ cho 754 học sinh nghèo người dân tộc, kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng để giúp các em đến trường.

Bước vào năm học mới, huyện cũng đang rà soát để có những hỗ trợ kịp thời thiết thực hơn. Trang bị áo pháo, hỗ trợ kinh phí đi đò rất cần sự chủ động chung tay nhiều hơn, của các cấp, các ngành đối với những địa bàn đi lại khó khăn, đặc biệt là trong năm học này, khi ngành giáo dục Cà Mau triển khai sắp xếp lại trường lớp.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Lợi cho biết thêm: “Huyện cũng rà soát lại những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học bằng đò để có hướng giúp đỡ hỗ trợ kịp thời, cũng như tuyên truyền cho các chủ đò nắm được các quy định để chở học sinh an toàn”.

Một năm học mới lại bắt đầu, cũng là lúc các cấp, các ngành cùng vào cuộc để đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ kể cả trên bộ lẫn đường thủy. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ học sinh, hoạt động kiểm tra của các ngành chức năng cũng cần được tăng cường để từ đó có thể kịp thời phát hiện, nhắc nhở điều chỉnh các hành vi chưa đúng của các chủ phương tiện đảm bảo đường đến trường của trẻ mỗi ngày được an toàn, thông suốt./.

Thành Quốc