Tình hình trật tự an toàn giao thông quý I năm 2023 trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, giảm cả 03 tiêu chí về tai nạn giao thông; là tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông ít nhất cả nước. Tuy nhiên, qua đánh giá tại Báo cáo và ý kiến phát biểu của các đơn vị, địa phương, cho thấy tình hình trật tự an toàn giao thông tỉnh ta vẫn còn diễn biến phức tạp. Quý I tuy giảm TNGT, nhưng bước sang tháng 4 trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ TNGT chết người, điển hình vụ TNGT rất nghiêm trọng làm chết 02 người xảy ra tại Phường 5, TP Cà Mau. Nguyên nhân là do: Một số địa phương, ở từng thời điểm chưa thật sự quan tâm vào cuộc trong công tác trật tự an toàn giao thông, chưa sâu sát trong quản lý địa bàn, mọi chỉ đạo, điều hành giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng (Phòng Quản lý đô thị) hoặc Công an cấp huyện phụ trách, nên hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông của các huyện thành phố còn chung chung, không có chương trình, kế hoạch, định hướng cụ thể. Phần lớn các địa phương không dành nhiều thời gian, kinh phí để phục vụ công tác tuyên truyền, đặc biệt là chưa quan tâm chú trọng tuyên truyền thông qua hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã. Công tác quản lý tuyến, địa bàn của lực lượng chức năng, đặc biệt là ở cấp xã còn lỏng lẻo, điển hình: Để xảy ta tình trạng cất nhà, lều quán trên phần đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, họp chợ trái phép trên đường bộ; chưa quan tâm giải tỏa vật chướng ngại trên sông và không quản lý được bàn sau giải tỏa. Hiện nay tình trạng vi phạm tải trọng xe trên các tuyến đường ô tô về trung tâm xã, liên xã khá phổ biến, trong khi có chưa có sự phối hợp, cung cấp thông tin giữa Công an cấp xã cho lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra Sở Giao thông vận tải để tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm kiềm chế tai nạn giao thông đến mức thấp nhất, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban ATGT tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh,, đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện, thường xuyên các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 20/02/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch hoạt động Năm An toàn giao thông 2023, gắn trách nhiệm người đứng đầu của ngành, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Chỉ đạo, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đảng viên thực hiện tốt việc nêu gương trong chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Nghiêm cấm hành vi tác động, can thiệp dưới mọi hình thức làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khi có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định.

2. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về trật tự an toàn giao thông; chú trọng hình thức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông phù hợp với từng đối tượng (nhất là học sinh, sinh viên), đặc điểm từng địa phương; lồng ghép hình ảnh, hậu quả, tác hại do tai nạn giao thông gây ra; từng bước thay đổi thói quen tùy tiện, đối phó của người tham gia giao thông sang hành động tự giác chấp hành, hình thành và thực hiện tốt nếp sống “Văn hóa giao thông”.

3. Lực lượng Cảnh sát tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông, tập trung kiểm tra trên các tuyến, luồng phức tạp, bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch…; tuần tra kiểm soát gắn với chuyên đề: Vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn; đi sai phần đường, làn đường; không đội mũ bảo hiểm; dừng đỗ xe trái quy định, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông. Công tác xử lý vi phạm phải được công khai, đúng pháp luật, đúng người vi phạm, không phân biệt cán bộ, công chức, viên chức hay người dân.

 4. Tăng cường trách nhiệm quản lý vận tải hành khách, siết chặt công tác kiểm soát tải trọng xe, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; thực hiện tốt công tác đăng ký, đăng kiểm; quản lý tốt các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, kiên quyết xử lý các vi phạm bến khách ngang sông hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn.

5. Tập trung duy tu, sửa chữa các hư hỏng mặt đường trong mùa khô; rà soát điều chỉnh, bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn; thường xuyên phát quang cây cỏ các tuyến đường trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến đường giao thông nông thôn.

6. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ trên phần đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, mốc giải phóng mặt bằng từng tuyến, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo, giải tỏa dứt điểm các điểm họp chợ trái phép trên đường bộ; hoàn thành trong tháng 5/2023.

7. Đối với công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông. Đến cuối tháng 6 năm 2023 phải giải tỏa dứt điểm vật chướng ngại trên các tuyến sông, địa phương nào để tình trạng tái chiếm sau giải tỏa sẽ xử lý trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân nơi đó.

Kết hợp công tác tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông với công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm khai thác thủy sản trái phép tạo vật chướng ngại lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng. Đặc biệt là xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện để đánh bắt thủy sản trên đường thủy nội địa.

8. Văn phòng Ban An toàn giao thông chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị, địa phương có liên quan khảo sát các điểm trường có phần đất hành lang rộng. Qua đó, nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng chổ dừng, đỗ xe cho phụ huynh đưa rước học sinh, tránh gây ùn tắc, mất an toàn giao thông trước cổng trường.

9. Sở Y tế, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu thành lập tổ y tế cộng đồng để kịp thời sơ, cấp cứu nạn nhân (nếu xảy ra tai nạn).

Mộng Tuyết