Đường nhiều ổ gà:

- Khi lái xe trên mặt đường có nhiều ổ gà phải giảm tốc độ, về số thấp và giữ đều ga.

- Khi vượt qua rãnh nhỏ cắt ngang đường, phải giảm tốc độ, về số thấp và từ từ cho xe ô tô vượt qua rãnh rồi mới tăng tốc độ và chạy bình thường.

- Khi vượt qua rãnh lớn cắt ngang mặt đường, phải gài số 1 và từ từ cho 2 bánh trước xuống rãnh, tăng ga cho 2 bánh trước vượt lên khỏi rãnh, tiếp tục để bánh sau từ từ xuống rãnh rồi tăng ga dần cho xe ô tô lên khỏi rãnh. Trường hợp rãnh lớn và sâu, phải lái xe vượt chéo qua rãnh, cho từng bánh xe lần lượt xuống và vượt lên khỏi rãnh, không bị va quệt gầm xe.

Lái xe trên đường nhiều “ổ gà” phải giảm tốc độ

Đường trơn, lầy:

- Khi lái xe trên đường cứng và trơn trượt, người lái xe phải giữ vững tay lái và cho xe chuyển động với tốc độ chậm. Khi vào đường cua vòng phải giữ đều tay ga, không lấy lái nhiều và không phanh gấp, chỉ phanh nhẹ để cảm nhận mặt đường. Hầu hết các lần trượt xe đều xảy ra khi người lái xe cố rẽ, trong lúc xe dang chạy với tốc độ cao hoặc phanh dừng xe đột ngột.

- Khi xe ô tô chuyển động trên đường lầy (mặt đường bị biến dạng nhiều), bánh xe dễ bị trượt quay và trượt lết ngang. Trong trường hợp này cần nhả bàn đạp ga, đánh tay lái điều chỉnh hai bánh xe phía trước vừa đủ để giữ cho chúng quay theo hướng mà bạn định tiến ra khỏi chỗ lầy. Không được đánh tay lái điều chỉnh hai bánh xe trước nhiều hơn, sẽ làm tăng lực cán khi xe ra khỏi chỗ lầy, trượt. Cũng có thể lùi lại và tìm mọi biện pháp làm tăng khả năng bám của bánh xe với mặt đường (lót bằng đá, ván gỗ, xích cuốn vào lốp xe …). Một lần nữa đánh tay lái điều chỉnh bánh xe trước theo đúng hướng mà bạn định tiến ra khỏi chỗ lầy, trượt. Sau đó điều chỉnh thẳng bánh xe trước để phương tiện tiến ra khỏi chỗ lầy, trượt dưới sự kiểm soát của bạn. Tuyệt đối không tăng ga vì càng tăng ga càng làm cho mặt đường bị lún sâu hơn hoặc gây trượt bánh xe.

- Để tránh bị lún và kẹt xe trong bùn lầy, bạn nên lúc nào cũng mang theo dây xích trong xe. Mắc dây xích vào bánh xe trước khi lái xe vào trong bùn lầy. - Ngoài các biện pháp nêu trên, có thể xả bớt hơi trong lốp để xe ô tô vượt qua đoạn đường lầy, trượt.

Cần có kỹ năng đi trên đường trơn, lầy

Qua cầu hẹp:

- Khi lái xe ô tô qua cầu rộng và phẳng thì thao tác lái xe giống như trên đường phẳng.

- Khi lái xe ô tô qua cầu hẹp và bề mặt không phẳng, thì gài số thấp, giữ đều ga cho xe qua từ từ, không đi sát rìa cầu. Không nên tăng ga đột ngột và không nên đổi số hoặc phanh gấp trên cầu.

Qua phà:

Trước khi qua phà phải đỗ đúng nơi quy định và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn: Kéo chặt phanh tay, gài số 1 hoặc số lùi tùy theo hướng dốc của mặt đường, chèn xe chắc chắn khi thấy cần thiết. Chỉ cho xe xuống phà khi có lệnh của người điều khiển bến phà. Các thao tác khi cho xe xuống phà như sau:

- Gài số 1 và điều khiển xe ô tô đi theo phương vuông góc với mép cầu của phà (trừ xe con có thể đi chéo do gầm thấp).

- Kết hợp nhịp nhàng các thao tác ga, phanh để bánh xe tiếp cận và vượt cầu phà êm dịu.

- Căn đường chính xác, kết hợp các thao tác điều khiển ly hợp, phanh để từ từ tiến vào vị trí đỗ.

- Khi đã đỗ đúng vị trí cần thực hiện các thao tác bảo đảm đỗ xe an toàn. Khi phà cập bến cần khởi động động cơ, đợi lệnh của người điều khiển bến phà mới được lái xe lên bến.

- Cần giữ khoảng cách cần thiết với xe đi trước đề phòng xe trước tụt dốc, điều khiển cho bãnh xe tiếp cầu phà êm dịu.

Lái xe ban đêm:

Lái xe ban đêm

- Lái xe an toàn ban đêm phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng để soi đường, báo hiệu và theo dõi quá trình làm việc của xe. Khoảng cách lái xe có thể nhìn về phía trước bị giảm về đêm, do vậy sẽ nguy hiểm hơn. Phải bật đèn chiếu sáng trước (đèn chiếu xa hoặc chiếu gần) nửa giờ sau khi mặt trời mọc. Có thể bật đèn chiếu sáng trước vào bất kỳ lúc nào khi tầm nhìn bị giảm, lượng sáng trong ngày không đủ để nhìn rõ người và phương tiện ở khoảng cách 150m. Phải có khả năng dừng xe trong phạm vi khoảng cách mà bạn có thể nhìn thấy.

- Hãy sử dụng đèn sương mù bất cứ lúc nào khi có sương mù, mưa.

- Khi tới gần xe chạy ngược chiều, phải chuyển từ đèn chiếu xa sang đèn chiếu gần (đèn pha sang đèn cốt) để không làm chói mắt người lái xe ngược chiều.

- Không nhìn thẳng vào đèn của xe chạy ngược chiều mà nhìn chếch sang phía phải theo chiều chuyển động của xe mình.

- Khi cần vượt xe nên chọn chỗ rộng, bằng phẳng, bật đèn cốt và nháy đèn xin đường. Nếu có chướng ngại vật xuất hiện thì phải nhường đường hoặc chủ động dừng xe.

- Khi cần đỗ xe hoặc khởi hành, cần bật đèn xin đường; cần đỗ xe về sát lề đường bên phải và bật tín hiệu phía trước, sau xe.

- Trường hợp đèn pha - cốt bị tắt đột ngột, phải bình tĩnh giảm tốc độ và cho xe sát vào lề đường để sửa chữa.

- Khi lùi xe, quay đầu xe hoặc chạy xe ở đường vòng hẹp phải có người hướng dẫn hoặc phải xuống quan sát địa hình trước.

Lái xe trong điều kiện thời tiết xấu:

Lái xe trong thời tiết xấu

Khi có mưa, là lúc nhiều con đường trở nên trơn trượt nhất vì bụi đất chưa trôi đi. Đường sẽ trơn nhất trong nửa giờ đầu do mặt đường chưa được gột sạch, đặc biệt tại các nút giao thông nơi có hàm lượng bụi nhiều hơn. Vì vậy, phải giảm tốc độ và dành khoảng cách đến xe liền trước ít nhất là lớn hơn gấp đôi khoảng cách bình thường. Nếu trời bắt đầu đổ mưa vào một ngày nóng, mặt đường có thể rất trơn trong vài phút đầu. Sức nóng làm cho dầu trong nhựa đường nổi lên mặt đường. Dễ làm cho đường trơn trượt cho đến khi nước rửa trôi đi.

Khi có gió to, sương mù hoặc đường ngập nước thì tầm nhìn bị hạn chế, rất khó quan sát, khó phán đoán tình trạng mặt đường. Do vậy, người lái xe cần thực hiện các thao tác sau:

- Bật đèn cốt và đèn vàng (nếu có);

- Điều khiển gạt nước và các bộ phận làm tan hơi nước (nếu có);

- Điều khiển xe ô tô đi với tốc độ chậm để có thể quan sát được;

- Không lấy lái sát vào lề đường.

Nếu thấy không an toàn (mưa quá to hoặc sương mù quá dầy đặc không nhìn rõ) phải dừng xe lại. Sau khi mưa to, phải quan sát kỹ tình trạng mặt đường, đề phòng đường bị sạt lở.

Theo csgt.vn