Đôi mắt mù lòa, thần kinh không ổn định nên mọi sinh hoạt của anh Trọng đều do mẹ anh và đứa con gái phụ giúp

Cuốn sách Tiếng Việt lớp 3 cũ kỹ, nhàu nát được đặt cạnh đầu giường anh Trọng nằm, chứa đựng biết bao tình yêu thương của đứa trẻ lên 9 dành cho cha mình. Đêm đêm, sau khi học bài xong, Trân đến bên giường đọc truyện cho cha em nghe. Bằng giọng nói hồn nhiên, trong sáng Trân bộc bạch “đêm nào con cũng đọc truyện, rồi hát cho cha nghe đến khi nào cha ngủ thì thôi. Con thương cha lắm. Những lúc cha bị co giật cắn chảy máu lưỡi, con khóc, con ôm cha. Những khi tỉnh, cha kêu con lại, cha nói con ngoan rồi con muốn gì cha cũng cho, nhưng con chỉ cần cha khỏe thôi. Con hứa con học giỏi, ngoan ngoãn cho cha và bà nội vui lòng. Con nhớ mẹ. Con mong ước gia đình mình trở lại như xưa ”.

“Trở lại như xưa” lời của bé Trân bộc bạch, bởi em hiểu được, từ sau khi tai nạn giao thông xảy đến với cha em, số phận của những thành viên trong gia đình đã thay đổi hoàn toàn.

Mẹ Trân, bỏ đi biền biệt sau khi anh Trọng bị tai nạn giao thông được một năm.

Em gái anh Trọng, lúc đó mới học lớp 6 cũng phải bỏ học phụ mẹ kiếm tiền lo chữa trị cho anh trai và hiện nay trở thành trụ cột chính trong gia đình bằng số tiền lương ít ỏi mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng từ công việc làm công nhân ở tận TP.HCM.

Mẹ anh Trọng, bà Nguyễn Thị Là năm nay đã ngoài 60 tuổi, đáng ra, ở cái tuổi nghỉ ngơi thì bà lại trở thành người chăm sóc cho mọi sinh hoạt từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân của anh Trọng và người cha năm nay đã 96 tuổi mắc chứng bệnh lẫn lộn, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Ngoài ra, Bà Là còn lo chuyện học hành, dạy dỗ bé Trân. Tranh thủ thời gian còn lại, bà  nhận thêm công việc đan rổ, đan xịa mướn kiếm thêm vài ba chục ngàn mua gạo hàng ngày.

Bà Là tranh thủ lúc rảnh rỗi đan rổ, đan xịa kiếm tiền mua gạo hàng ngày

Ông Trần Thành Công, Công an viên phụ trách ấp Rạch Lùm C, cho biết “Trước khi xảy ra tai nạn, Trọng là lao động chính trong gia đình. Từ khi xảy ra tai nạn, gia đình Trọng lâm vào hoàn cảnh túng quẩn. Cô Bảy Là giờ vừa chăm sóc cha già, con trai và cháu nội, trong khi Cô cũng lớn tuổi, không tạo ra thu nhập gì nhiều. Gia đình lại không có đất sản xuất. Mong sao có  nhà hảo tâm nào đó giúp gia đình Cô Bảy vượt qua khó khăn hiện nay. Gia đình đang rất cần tiền để ráp hộp sọ cho  anh Trọng”.

Năm 2015, gia đình anh Trọng được Ban An toàn giao thông tỉnh vận động “Câu lạc bộ Sống yêu thương” hỗ trợ 83 triệu đồng. Do nhà cửa dột nát, mà trong nhà toàn người già và trẻ em nên bà Là dùng phân nữa số tiền sửa lại căn nhà cho có chỗ che mưa che nắng, còn lại 40 triệu để dành ráp hộp sọ cho anh Trọng. 

Dù đã được chính quyền địa phương, các tổ chức Hội quan tâm giúp đỡ, bà con láng giềng chia sẻ khó khăn nhưng tiền vào nhà anh Trọng như gió vào nhà trống.

Bà Là, chia sẻ “hôm chở thằng Trọng ra bệnh viện để làm phẩu thuật ráp hộp sọ nhưng bác sĩ nói phải tốn ít nhất 50 triệu mà tui chỉ có 40 triệu nên đành chở con về. Đau lòng lắm, nhìn con sống như cây như cỏ, không biết vui, không biết buồn, thậm chí nó cũng không biết đau đớn, trí nhớ thì chưa hồi phục. Ngày nào bỏ cử thuốc là lên cơn co giật. Mọi chi phí, tiền thuốc men cho ông cụ và Trọng đều do con Út gởi về. Nó hi sinh cả tương lai để nuôi gia đình. Khổ lắm ”.

Bà Phạm Thị Hoa, hàng xóm gia đình anh Trọng bày tỏ “Trước khi bị tai nạn giao thông, thằng Trọng nó hiền lắm, tốt tính nữa. Nó mà thấy nhà tui phơi lúa, trời mưa vác vô không kịp là chạy qua phụ liền. Bà con hàng xóm thương nó lắm. Thấy hoàn cảnh nhà nó giờ khổ quá, tui cũng hay cho tiền, cho gạo, quần áo. Giúp được chút nào hay chút đó”.

Tai nạn giao thông xảy ra trong một lần anh Trọng đi đám tang người bà con ở thị trấn Sông Đốc về. Bà Là kể lại “trước khi đi, Trọng đã có biểu hiện mệt mỏi do suốt buổi sáng cắt lúa ngoài ruộng. Trọng đi với người anh bà con. Đi đám tang xong, 2 anh em có ghé thăm người bà con ở Sông Đốc rồi có uống ít rượu. Đến 11h đêm thì 2 anh em về. Anh của Trọng chạy xe, Trọng ngồi sau. Trên đường về, Trọng ngủ gục và té, đầu đập xuống đường gây chấn thương sọ não. Lúc đó, thằng Trọng không đội nón bảo hiểm. Nếu nó đội nón bảo hiểm chắc hậu quả không đến nổi như vậy đâu”.

Những lúc tỉnh, bằng giọng nói yếu ớt, thều thào anh Trọng luôn gọi tên con gái “Trân ơi, Trân à. Con đâu rồi. Con phải ngoan, nghe lời nội nghe chưa”. Đôi mắt anh Trọng dù không còn nhìn thấy ánh sáng, dù vô hồn nhưng vẫn trực trào những giọt nước mắt khi có ai đó nhắc đến bé Trân, đến đứa em gái thay anh gánh vác cả gia đình, đến mẹ già tảo tần sớm hôm, đến người ông như ngọn đèn trước gió.

Tai nạn giao thông xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng nếu mỗi chúng ta có ý thức hơn trong việc chấp hành Luật giao thông cũng như tuân thủ những quy định về ATGT thì sẽ giảm được phần nào hậu quả nếu không mai xảy ra tai nạn. Tránh tình trạng khi sự việc xảy ra rồi, người trong cuộc mới thấy hối hận cho hành động của mình như trường hợp của anh Trọng.

Ong Vò Vẽ