Giá xăng dầu lần đầu giảm mạnh, doanh nghiệp vận tải khấp khởi

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng bày tỏ vui mừng khi chia sẻ về việc giá xăng dầu chính thức giảm đến 3.000 đồng/lít và cho biết đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi giá xăng bắt đầu tăng liên tiếp trong 2 năm qua, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong bối cảnh vẫn đang nỗ lực phục hồi kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

“Điều này cho thấy cách điều hành trong việc quản lý giá xăng, dầu của Chính phủ đã có những chuyển biến tích cực và đã có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp vận tải”, ông Hải chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp vận tải phấn khởi khi giá xăng dầu lần đầu giảm mạnh đến 3.000 đồng/lít

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, hiện nay giá xăng dầu bấp bênh khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất khó xoay xở để điều chỉnh giá cước chạy theo, gây gia tăng chi phí.

“Giá xăng giảm sẽ giúp kìm hãm gia tăng lạm phát, doanh nghiệp cũng có điều kiện ổn định hoạt động và tới đây sẽ có những điều chỉnh giá cước hợp lý với tình hình thực tế của các chi phí cấu thành giá”, ông Hùng cho hay.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân, doanh nghiệp có gần 100 xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho hay, đây là tín hiệu vui cho không chỉ các doanh nghiệp vận tải mà ngay cả những cá nhân chạy xe dịch vụ và cả những người lao động khác. Từ đó, cho thấy, Chính phủ đã có những chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cùng các doanh nghiệp.

Theo ông Dũng, giá vé hành khách tuyến Hà Nội - Lào Cai của Hà Sơn Hải Vân được xây dựng từ thời điểm tháng 11/2015, khi đó giá nhiên liệu chỉ khoảng 13.500 - 14.000 đồng/lít. Khi giá xăng dầu liên tục biến động, đặc biệt tăng liên tiếp trong thời gian qua, chạm mốc hơn 26.000 đồng/lít vào tháng 3/2022, doanh nghiệp đã tăng giá vé tại các dòng sản phẩm bình quân từ 17-20% dựa theo hướng dẫn của cơ quan chức năng về việc đề xuất tăng giá cước dựa trên giá nhiên liệu tăng.

Tuy nhiên, thực tế, ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp của chi phí nhiên liệu tăng, các doanh nghiệp vận tải còn “đau đầu” bởi giá xăng dầu tăng còn dẫn đến tăng giá các chi phí đầu vào khác như vật tư, phụ tùng phương tiện, nhất là khi bị đứt gãy chuỗi vận chuyển do dịch Covid-19, càng khiến giá những nguyên vật liệu này tăng mạnh.

Việc tăng giá vé hành khách chỉ giải quyết được một phần chi phí về giá nhiên liệu tăng nhưng giá các chi phí khác thì chưa. Nhất là khi sau thời điểm đó, giá xăng dầu tiếp tục tăng và lập đỉnh hơn 30.000 đồng/lít vào đầu tháng 7.

Đến nay, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ và giá xăng dầu thế giới giảm đã giúp giảm giá xăng dầu trung bình 3.000 đồng/lít, đưa giá xăng dầu trở lại thời điểm đầu tháng 3/2022 ở mức khoảng hơn 26.000 đồng/lít.

Điều này có ý nghĩa rất lớn không chỉ giúp Hà Sơn Hải Vân mà còn giúp các doanh nghiệp khác bớt đi một phần khó khăn trong giai đoạn hiện nay, phần nào yên tâm để phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Nhằm tiếp tục được tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu đối với xăng dầu

Chưa hết lo

Dù phấn khởi nhưng ông Dũng cũng bày tỏ lo lắng khi chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu xuống 1.000 đồng/lít chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2022.

Trong khi, nhiên liệu trong nước chủ yếu là nhập khẩu và phải chịu ảnh hưởng lớn từ giá xăng dầu thế giới.

“Nếu không sớm bình ổn được giá xăng dầu, sau thời điểm 31/12/2022 khi chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kết thúc, quay về mức ban đầu, doanh nghiệp lại tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn như một vòng luẩn quẩn”, ông Dũng nói.

Và kiến nghị, bên cạnh việc tiếp tục có những chính sách giúp bình ổn giá xăng dầu, các cơ quan quản lý cũng xem xét việc cho phép doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước không chỉ dựa trên mức tăng của nhiên liệu mà còn dựa trên mức tăng giá của các nguyên vật liệu, phụ tùng do tác động của tăng giá xăng, dầu. Bởi đây cũng là một phần chi phí không nhỏ trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải cũng kiến nghị Chính phủ có thể xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng dầu góp phần kéo giảm thêm giá nhiên liệu thời gian tới.

Theo ông Hải, mức giảm 3.000 đồng/lít xăng, dầu như hiện nay mới chỉ giảm khoảng 10%, trong khi đó, so với cuối năm ngoái, giá xăng dầu đã tăng đến 55%.

Dù đã giảm khoảng 3.000 đồng/lít nhưng so với giá xăng dầu của các nước trong khu vực, giá ở Việt Nam vẫn còn cao, đơn cử tại Đài Loan, giá nhiên liệu chỉ 22.000 - 23.000 đồng/lít.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải hành khách chuyên tuyến Hà Nội - Ninh Bình cũng cho biết, mức giảm 3.000 đồng/lít xăng, dầu là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp vận tải nhưng chưa tác động mạnh mẽ bởi giá xăng dầu hiện nay đã tăng gấp đôi so với năm 2020.

“Giá xăng, dầu tăng liên tục thời gian qua đã khiến chi phí nhiên liệu dành cho hoạt động kinh doanh vận tải của công ty tăng gấp đôi so với trước kia. Đến nay mới chỉ giảm khoảng 3.000 đồng/lít, dù là mức giảm mạnh nhất từ trước đến giờ nhưng so với chi phí phải bỏ ra để vận hành vẫn chưa thấm vào đâu”, vị đại diện này nói và cho biết thêm: Chi phí nhiên liệu hiện đang chiếm đến 35% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, giá nhiên liệu tăng còn kéo theo giá các chi phí vật tư khác tăng theo như dầu máy, lốp…Tiếp đến là lương cho cán bộ nhân viên chiếm khoảng 20%, chi phí mặt bằng văn phòng, lãi suất ngân hàng,… khiến doanh nghiệp vẫn phải “gánh lỗ” hàng tháng.

“Tuy nhiên, xác định thị phần vẫn là mối quan tâm nhất hiện nay, nếu vì giá nhiên liệu tăng, chạy lỗ mà ngừng chạy thì sẽ mất thị phần nên doanh nghiệp vẫn cố hoạt động cầm chừng để duy trì và kỳ vọng với các chính sách tiếp theo của Chính phủ sẽ giúp giá nhiên liệu giảm sâu hơn nữa, góp phần tạo đà cho các doanh nghiệp vận tải phát triển”, đại diện doanh nghiệp vận tải tuyến Hà Nội – Ninh Bình nói.

Lãnh đạo Công ty vận tải Yên Bái cũng cho biết, mức giảm 3.000 đồng/lít xăng, dầu trong ngày hôm nay (11/7) chỉ là một phần nhỏ so với mức tăng liên tiếp thời gian qua. Do đó, doanh nghiệp vận tải vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn để vận hành. Hiện Công ty đã hoạt động được khoảng 85% số chuyến so với thời điểm trước dịch Covid-19 nhưng doanh thu vẫn bị giảm đến 40% do chi phí cho nhiên liệu, vật tư chiếm tỉ trọng lớn, nhất là khi dù giá nhiên liệu tăng liên tục trong 2 năm qua nhưng các tuyến vận tải hành khách của công ty vẫn chưa điều chỉnh giá vé lần nào.

“Dịch Covid-19 đã khiến lượng khách giảm mạnh so với trước, lại thêm ảnh hưởng của các loại hình xe ghép, xe đi chung khiến khách tuyến cố định ngày càng giảm. Nếu tăng giá thì doanh nghiệp càng chật vật hơn vì không thu hút được khách. Hi vọng, thời gian tới, giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động”, vị lãnh đạo này chia sẻ thêm.

Từ 0h ngày 11/7, giá xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít, xuống mức 29.675 đồng mỗi lít; Xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, xuống mức 27.788 đồng mỗi lít.

Giá dầu Diesel 0,05s-II giảm 3.022 đồng/lít, xuống mức 26.593 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 2.008 đồng, xuống mức 26.345 đồng/lít; Dầu mazut giảm 2.010 đồng mỗi lít, xuống còn 17.712 đồng.

Tại phiên này, liên Bộ thực hiện lập Quỹ BOG đối với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg. Và không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.

Theo Báo Giao thông