Đa phần, các nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thường nằm ở vùng sâu, nơi hẻo lánh, đời sống chật vật, thiếu thôn. Phải mất gần 90 cây số đoàn mới đến được gia đình anh Phạm Anh Kiệt, ngụ ấp Vịnh Nước Sôi, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển. Anh Kiệt là con liệt sỹ, do hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất nên anh đi lên tỉnh Bình Dương làm thợ hồ. Vào buổi chiều ngày 26/7/2016 định mệnh, trên đường đi làm về, xe anh băng qua đường đụng vào xe ô tô 7 chổ, làm anh Kiệt bị chấn thương nặng, bị cắt đi chân phải, số tiền chữa trị trên 25 triệu đồng phải đi vay mượn, đến nay vết thương đã lành nhưng anh vẫn chưa trả hết số tiền nợ bà con. Anh Phạm Anh Kiệt cho biết: “Bây giờ phải sống nhờ nhà người mẹ. Mẹ nuôi chứ bây giờ không đi lao động được”.

Anh Phạm Anh Kiệt với chân trái bị cắt bỏ

Tưởng chừng lên Bình Dương lao động để kiếm sống, nào ngờ tai nạn giao thông ập đến đã cướp đi một phần thân thể của anh Kiệt. Anh sống nhờ nhà mẹ ruột, đứa con lớn đang học lớp 3, con nhỏ 2 tuổi vì không có khả năng nuôi dưỡng, anh phải gửi nhờ nhà ngoại. Vợ anh phải đi làm thuê, làm mướn dành dụm được ít tiền gửi về cho anh thuốc men hàng ngày. Hiện anh Kiệt đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, bế tắc. Bà Lương Thị Xía, mẹ anh Phạm Anh Kiệt xúc động nói: “Con bị tai nạn giờ mà bóp bụng gáng nuôi con chứ biết làm sao. Hoàn cảnh khổ quá”.

Ông Nguyễn Hoàng Khải là Trưởng Ban Nhân dân ấp Vịnh Nước Sôi, xã Viên An nên thấu hiểu hoàn cảnh của anh Pham Anh Kiệt: “Địa phương có hướng đề xuất các ban ngành có sự quan tâm để hỗ trợ cho gia đình anh Kiệt. Gia đình này lại là con liệt sỹ cho nên cần phải chăm lo nhiều hơn để có cuộc sống ổn định”.

Nỗi đau tai nạn giao thông là nỗi đau lớn của người phụ nữ bởi cha hoặc chồng họ là lao động chính của gia đình thì nay lại là gành nặng. Chị Thái Thị Như, ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước cũng là một trường hợp như vậy. Vào tháng 2 năm 2016, trên đường đi làm hồ từ thị trấn Cái Nước về nhà thì anh Trương Ngọc Ẩn bị tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông khiến anh Ẩn bị chấn thương sọ não. Anh Ẩn phải mỗ não tại bệnh viện Cà Mau, chi phí gần 50 triệu đồng. Anh Ẩn phải nằm liệt giường 4 tháng, mọi sinh hoạt phải nhờ người thân. Hiến tại, số tiền vay mượn khi điều trị còn chưa trả xong thì nay căn bệnh của anh Ẩn có dấu hiệu biến chứng, thường bị co giật. Theo bác sĩ thị phải tiếp tục điều trị, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Hoàn cảnh nghèo túng, nợ nần chưa dứt thì làm sao anh Ẩn có tiền để tiếp tục điều trị. Gánh nặng cơm áo gạo tiền giờ trút lên đôi vai vợ anh, chị Thái Thị Như. Chị Thái Thị Như, vợ anh Trương Ngọc Ẩn nói trong nước mắt: “Tưởng chồng tôi té nhẹ nào ngờ ra nông nỗi này. Gia đình túng quẫn quá, cơm không đủ ăn thì làm sao tiếp tục điều trị cho chồng tôi đây”.

Anh Trương Ngọc Ẩn với vết thương bị băng trên đầu

 Không chỉ chịu nỗi đau mất mát khi cha hoặc chồng mình bị tai nạn giao thông mà ngay chính bản thân người phụ nữ cũng phải gánh chịu nỗi đau này. Nỗi đau mang tên tai nạn giao thông giờ có sức tàn phá thật khủng khiếp. Người phụ nữ mang tên Thái Thị Phụng, khóm 3, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển có hoàn cảnh thật là bi đát. Đau đớn thay khi, chồng chị bỏ đi biền biệt sau khi chị có bầu đứa con thứ 3, một mình không có khả năng nuôi con nên chị dứt ruột cho đứa con thứ 3 cho người dì ruột nuôi dưỡng. Năm 2011, sau khi đi làm ở Công ty chế biến thủy sản về, xe đạp của chị bị một xe máy đụng phải, chị té bị chấn thương sọ não, phải nuôi họp sọ, người gây tai nạn bỏ trốn, số tiền vay mượn chữa trị hơn 100 triệu đồng, đến nay chị lắp được hộp sọ nhưng vẫn chưa lành lặn như bình thường, mỗi ngày chị bị đau đầu và thường xuyên bị co giật, không tự chủ trong sinh hoạt. Nơi chị sống mà chị gọi là nhà nhưng thật không thể tưởng, nhà không vách lá, thậm chí không có chiếc giường để ngủ, không có vật dụng sinh hoạt.

Bà Thái Thị Phụng (người ngồi giữa)

Nơi bà Thái Thị Phụng phải sống qua ngày

Chị Lưu Di Phương, em cùng mẹ khác cha Chị Thái Thị Phụng nói: “Tai nạn xảy ra gia đình rất đau lòng trong khi người gây ra tai nạn lại bỏ trốn. Không hỗ trợ thuốc men, gia đình điều trị cho chị tôi phải lâm vào cảnh nợ nần chồng chất”.

Bà Lưu Kim Chi, hàng xóm chị Thái Thị Phụng cho biết: “Khi chi Phụng không có tiền mua thuốc uống thì lên cơn bị giật nằm cứng đơ, chị em hàng xóm cạo gió, nặng chanh vô miệng thì tỉnh lại. Ở đây không chích thuốc được, chòm xóm hùn tiền lại cho chị Phụng đi chích ở Cà Mau và hốt thuốc nam trong chùa để uống chứ không có tiền điều trị trong bệnh viện Cà Mau”.

Tai nạn giao thông giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai, hầu hết những nạn nhân của tai nạn giao thông đều nằm trong tuổi lao động. Những vụ tai nạn giao thông đều để lại mất mát, những thanh niên, trụ cột gia đình, những người nằm trong độ tuổi lao động sau tai nạn, thân thể không lành mạnh, không lao động được nữa, gia đình phải nuôi chăm sóc, đó là gánh nặng lên kinh tế gia đình

Minh Trí (Đài PT-TH Cà Mau)