Sáng 6/3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu đã tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Tuyến đường Hồ Chí Minh qua 2 tỉnh Kiên Giang - Bạc Liêu góp phần kết nối hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận là dự án quan trọng trong khu vực Tây Nam Bộ, được chính quyền, người dân trong vùng mong chờ từ nhiều năm qua và là 2 "mảnh ghép" của tuyến đường Hồ Chí Minh qua 2 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, góp phần kết nối hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long. 

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận khi hoàn thành sẽ tạo thành một hệ thống giao thông đường bộ liên vùng hoàn chỉnh, giảm tải lưu lượng cho các tuyến đường bộ trong khu vực. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, du lịch, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung,

Để dự án được triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) và các đơn vị tư vấn, nhà thầu, với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch; đồng thời huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để tập trung triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật.

Về phía địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong suốt quá trình triển khai xây dựng công trình.

Đối với tỉnh Kiên Giang, tuyến đường là một trong 17 đoạn tuyến đường bộ quan trọng đi qua tỉnh, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án cùng với các tuyến giao thông đang khai thác gồm quốc lộ 61, 63, 80, N1, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và các dự án đang triển khai như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau... khi hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới giao thông huyết mạch, liên kết giữa các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Qua đó, tạo điều kiện kết nối các địa hương, các vùng, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhiều hơn, nhất là đối với nhân dân ở các vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.

Theo banduong.vn