Đại diện Hội Nông dân tỉnh Cà Mau thông tin mục đích, ý nghĩa của mô hình‘ Nông dân tự quản về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa”.

Thành viên Tổ Tuyên truyền, Ban An toàn Giao thông tỉnh Cà Mau giới thiệu những quy định của Pháp luật Giao thông.

Sáng 29.9.2020 ông Lê Thanh Hóa, cùng mấy chục hội viên trong ấp Cái Bát tập trung về Trụ sở Văn hóa ấp để chung tay hành đồng vì an toàn giao thông làng quê. Ông Hóa và bà con tập trung về đây để tham gia buổi Lễ công bố Mô hình‘ Nông dân tự quản về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa”. Mô hình này do Hội Nông dân và Ban An toàn Giao thông tỉnh Cà Mau phối hợp triển khai thí điểm tại 10 ấp, thuộc 10 xã, 9/9 huyện thành phố trong tỉnh.

Ông Lê Thanh Hóa, cùng 29 Hội viên khác tham gia Mô hình. Ông Hóa được nghe đại diện Hội Nông dân tỉnh thông tin mục đích, ý nghĩa của mô hình nhằm kêu gọi ý thức chung tay hành động của hội viên nông dân cơ sở trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là giao thông thủy nội địa. Việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy vẫn chưa được bà con quan tâm đúng mức; tình trạng đặt nò, vó, lú gây cản trở đường thủy vẫn còn diễn ra phổ biến, chính vì vậy triển khai thí điểm mô hình‘Nông dân tự quản về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa” là cần thiết.

Cũng tại buổi Lễ, thành viên Tổ Tuyên truyền, Ban An toàn Giao thông tỉnh Cà Mau giới thiệu những quy định của Pháp luật Giao thông liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của bà con.

       

Ông Lê Thanh Hóa Hóa và 29 Hội viên đã tự nguyện đăng ký thực hiện 6 nội dung chung tay đảm bảo an toàn giao thông

Tại buổi Lễ công bố, trước sự chứng kiến của Lãnh đạo Hội Nông Dân huyện Thới Bình và Hội Nông dân xã Hồ Thị Kỷ, ông Hóa và 29 Hội viên đã tự nguyện đăng ký thực hiện 6 nội dung gồm: Thường xuyên tham gia các buổi tập huân tuyên truyền và vận động gia đình chấp hành nghiêm Pháp luật Giao thông; cam kết không điều khiển phương tiện giao thông thủy – bộ  sau khi đã uống rượu bia; chấp hành nghiêm quy định về đăng ký, đăng kiểm và chứng chỉ chuyên môn khi điều khiển phương tiện thủy nội địa; trang bị đầy đủ áo phao, đẻn chiếu sang trên phương tiện thủy và đội nón bảo hiểm đúng tiêu chuẩn khi đi xe máy; xây dựng ý thức không xây dựng, đặt chướng ngại vật trái phép trên luồng và hành lang bảo vệ luồng gây cảm trở giao thông.

Ông Lâm Thanh Long – Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân, Tổ trưởng Mô hình Nông dân tự quản về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa” ấp Cái Bát biết, Cấp trên chọn ấp Cái Bát để xây dựng mô hình điểm là hết sức cần thiết, định kỳ hằng tháng tôi và các thành viên trong tổ sẽ xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề về An toàn giao thông. Qua đó, sẽ chọn những nội dung thiết thực để tuyên truyền đến từng thành viên. 6 tháng Tổ sẽ tiến hành sơ kết nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế và đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ở nông thôn, hơn ai hết Hội viên Nông dân là giữ vai trò chủ lực trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách từ Đảng, Nhà nước. Có cơ sở để tin rằng Mô hình “Nông dân tự quản về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa” sẽ được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực trong nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông,  làm dừng, làm giảm tai nạn giao thông.

Hoài An