Lực lượng CAND lập công dâng Bác, vì nước quên thân, vì dân phục vụ (20/05/2019)

Với chủ đề “Phát huy truyền thống 75 năm vẻ vang, nâng cao bản lĩnh, tính nhân văn, lập công dâng Bác, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, phong trào thi đua đặc biệt nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý nghĩa, giá trị lịch sử và nội dung cốt lõi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, vì nhân dân phục vụ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Phong trào thi đua được chia thành 4 đợt gồm những nội dung thiết thực như: Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ ngày 19/5 đến 02/9/2019); Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ 03/9/2019 đến 03/2/2020); Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (từ 04/2 đến 19/5/2020); Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân và 15 năm ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (từ 20/5 đến 19/8/2020).

Lực lượng CSGT quyết tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện các phong trào thi đua.

Trong đó, lực lượng CSGT tập trung, chủ động đánh giá, nắm vững tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an các chủ trương, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATGT, TTATXH...; chủ động, phòng chống, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế quan trọng của Đảng, của đất nước; tổ chức mở các cao điểm đảm bảo TTATGT, đấu tranh phòng chống tội phạm trên tất cả các tuyến giao thông.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT phát biểu hưởng ứng tại Lễ phát động thi đua đặc biệt của Bộ Công an.

Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục CSGT trong thời gian tới, Cục CSGT sẽ cụ thể hóa các nội dung phong trào thi đua và việc thực hiện văn hóa công sở đối với lực lượng Cảnh sát giao thông, gắn với thực hiện quy tắc ứng xử của Công an nhân dân theo Thông tư số 27 của Bộ Công an, trong đó tập trung vào một số nội dung:

Một là, nghiên cứu, ban hành quy tắc ứng xử của lực lượng Cảnh sát giao thông, trong đó cụ thể hóa hơn nữa các nội dung ứng xử, trong đó tập trung vào cụ thể hóa một số nội dung như: về ứng xử đối với đồng chí, đồng đội; ứng xử đối với nhân dân, cá nhân người nước ngoài; ứng xử đối với người vi phạm pháp luật; ứng xử giao tiếp qua điện thoại.

Đặc biệt là nội dung ứng xử đối với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát giao thông cần chú ý, thực hiện nghiêm túc một số quy tắc đã quy định tại Thông tư của Bộ Công an như:

- Kính trọng, lễ phép với Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của Nhân dân.

- Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ.

- Không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc.

Hai là, Có các chủ trương, giải pháp tăng cường đào tạo, tập huấn và rèn luyện thường xuyên về văn hóa giao tiếp ứng xử cho Cảnh sát giao thông, trọng tâm vào các nội dung, phương pháp cụ thể để giao tiếp, ứng xử với đồng đội, với nhân dân, tạo hình ảnh đẹp trong lực lượng như thái độ, tác phong, cử chỉ, lời nói, trang phục trong công tác.

Ba là, Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ chiến sỹ CSGT vi phạm đạo đức, lối sống; vi phạm điều lệnh Công an nhân dân, đặc biệt là có biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, không tôn trọng nhân dân.

Bốn là, Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cùng với đa dạng phương pháp tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, hành động đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông cũng như đối với người tham gia giao thông, qua đó để nhân dân ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Cảnh sát giao thông hơn nữa trong quá trình thực thi công vụ.

Năm là, Các cấp ủy đảng và lãnh đạo chỉ huy các cấp trong lực lượng Cảnh sát giao thông phải thật sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống, đặc biệt là trong văn hóa giao tiếp ứng xử khi tham gia giao thông.

Chỉ huy công an các đơn vị cần nghiêm túc quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ, chủ động nêu cao tinh thần gương mẫu, tạo sức lan tỏa và chú trọng công tác khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua. Các đơn vị cần phối hợp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…

Chú trọng đề cao vai trò nêu gương, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đồng thời phát huy vai trò của Đoàn thanh niên, hội Phụ nữ là lực lượng nòng cốt, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

 Lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Cục CSGT tăng cường, mở nhiều đợt cao điểm đảm bảo TTATGT, TTXH trên tất cả các tuyến giao thông.

Nâng cao các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn lực lượng, nhằm nân cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng; phát huy truyền thống đoàn kết; chấp hành nghiêm chỉnh các nghị quyết của Đảng, pháp luật nhà nước và điều lệnh CAND trong mỗi CBCS, đảng viên...Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản, sắp xếp đội ngũ cán bộ; bảo đảm công tác hậu cần, kỹ thuật sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu công tác, chiến đấu.

Đồng thời, thiết thực tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, gặp mặt truyền thống các thế hệ cán bộ chiến sĩ lực lượng CSGT.

Theo Cục CSGT