Năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao cả 03 tiêu chí, toàn tỉnh xảy ra 89 vụ, làm chết 44 người, bị thương 120 người. Số vụ (89/64) tăng 25 vụ, tăng 39,1%; số người chết (44/25) tăng 19 người, tăng 76%; số người bị thương (120/87) tăng 33 người, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2015,       đã xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 04 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, vừa qua xảy ra sự cố sập cầu Cái Trăng trên địa bàn huyện Năm Căn, làm bị thương 04 người.

Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông phần lớn là do ý thức của người điều khiển phương tiện như: uống rượu, bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ cho phép, vi phạm phần đường, làn đường. Ở đường thủy phương tiện đi đêm không có đèn chiếu sáng, phóng nhanh, vượt ẩu, không chú ý quan sát. Đặc biệt tai nạn giao thông nguyên nhân do uống rượu, bia có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Công tác tuyên truyền, giáo dục  được quan tâm đúng mức, tổ chức 12 lớp tập huấn tuyên truyền kiến thức về pháp luật trật tự an toàn giao thông cho hơn 2.500 công nhân tại các khu chế xuấtvà các cán bộ và chi, tổ hội cơ sở, trao tặng 200 mũ bảo hiểm cho phần giao lưu hỏi – đáp ATGT ); tổ chức Hội thi “Giáo viên với An toàn giao thông” và trao tặng 550 mũ bảo hiểm cho các đội đạt giải của Hội thi. Các lực lượng chức năng tuyên truyền cho gần 93.000 lượt người,500 chủ bến khách, 1000 phương tiện thủy nội địa, nhắc nhở gần 35.000 lượt người mua bán lấn chiếm lòng, lề đường; tổ chức phát thanh lưu động 106 cuộc về Luật giao thông đường bộ tại khu vực đông dân cư, chợ; phát hơn 38.000 tài liệu tuyên truyền về ATGT.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Cà Mau Dương Hoài Nam trình bày báo cáo tổng kết.

Công tác tuần tra, kiểm soát được tăng cường thường xuyên ở những tuyến, địa bàn trọng điểm, qua kiểm tra, xử lý 49.123 trường hợp, thu nộp vào kho bạc nhà nước với số tiền: 31,8 tỷ đồng.Tước quyền sử dụng: 4.151 GPLX.Tạm giữ: 14.793 phương tiện.

Hội nghị đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô vẫn còn ở mức cao (57%), tai nạn giao thông do người điều khiển vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, phần đường, làn đường chiếm tỷ lệ khá cao gần 70%;tình hình tai nạn giao thông đường thủy diễn biến phức tạp, nhiều địa phương còn tồn tại hoạt động bến khách ngang sông không phép. Một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm vào cuộc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thiếu trách nhiệm trong quản lý địa bàn. Điển hình là tình trạng tái chiếm sau giải tỏa ở các địa phương diễn ra phổ biến; xe hợp đồng trá hình hoạt động công khai ở địa bàn các huyện, thành phố.Phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông kém, vi phạm an toàn giao thông dẫn đến tai nạn giao thông. Qua đó cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả chưa cao.

Để thực hiện đạt mục tiêu giảm từ 5 – 10% tai nạn giao thông so với cùng kỳ, năm 2017, tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo TT ATGT với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong Thanh, Thiếu niên với mục tiêu“Tính mạng con người là trên hết”. Tỉnh tập trung một số công việc trọng tâm sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 28/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Kế hoạch số 40/KH-TU ngày 10/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2.Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; xử lý nghiêm đối với cán bộ, nhân viên, con cán bộ, công chức, lãnh đạo vi phạm trật tự an toàn giao thông. Xác định rõ việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

3.Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát.

4. Đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chi phí và chất lượng các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; xây dựng kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường thuỷ nội địa; tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu giao thông đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông.

5.Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, áp dụng kết nối các phương thức vận tải nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh; đẩy nhanh tiến độ phát triển vận tải hành khách công cộng kết nối các đô thị trung tâm tỉnh với trung tâm huyện, các khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn,...

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu về giải pháp đảm bảo TT ATGT.

6. Đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Tập trung xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.

7. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới mọi đối tượng, nhất là cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị -xã hội đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” và phát động phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông” trong đó chú trọng vào giới trẻ, thanh, thiếu niên. 

8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

9. Tiếp tục duy trì và phát huy, nhân rộng những sáng kiến, những mô hình hay trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến mới.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, hy vọng rằng, năm 2017 tỉnh Cà Mau sẽ làm dừng, làm giảm TNGT, mang lại hạnh phúc, bình yên, tạo ra môi trường giao thông trật tự, an toàn./.

Huỳnh Anh