CSGT ra quân tuần tra kiểm soát lập lại ATGT

Theo Thông tư số 01/2018/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT, nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT gồm: Ngân sách Nhà nước bố trí từ nguồn chi các hoạt động kinh tế theo phân cấp quản lý Ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Ngân sách địa phương.

Giai đoạn 2018-2020, Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần Ngân sách Trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành...

Nội dung chi bảo đảm TTATGT gồm: Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông; chi hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm TTATGT; chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ trực tiếp phục vụ công tác bảo đảm TTATGT theo quy định của pháp luật hiện hành; chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành; chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT theo quy định của pháp luật…

Thông tư nêu rõ một số mức chi quy định như sau: Chi tập huấn nghiệp vụ về TTATGT thực hiện theo quy định của pháp luật về việc sử dụng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Chi khen thưởng theo quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Thi đua khen thưởng.

Chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị chết, trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: Chi hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/người bị tử vong; không quá 02 triệu đồng/người bị thương nặng.

Trong dịp Tết Nguyên đán, “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”: Chi thăm hỏi không quá 2 triệu đồng/người đối với nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn.

Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT ban đêm (bao gồm cả lực lượng Cảnh sát khác tham gia trực tiếp cho nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP của Chính phủ): Tối đa 100.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên).

Thông tư 01/2018/TT-BTC  quy định rõ mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT ban đêm

Thông tư quy định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương (NSTW) cho ngân sách địa phương (NSĐP) 70% số thu xử phạt phần NSTW được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề và bố trí 30% còn lại cho Bộ Công an.

Về quy định liên quan đến lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm TTATGT, Thông tư 01 hướng dẫn thêm một số nội dung sau:

Bộ Công an lập dự toán chi đảm bảo TTATGT nguồn xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT được giao. Giai đoạn 2018 - 2020, Bộ Công an lập dự toán chi tương ứng 30% nguồn xử phạt VPHC, trong đó chi tiết: Phần Bộ Công an và các đơn vị trực thuộc trực tiếp thực hiện; phần hỗ trợ công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn.

Đối với địa phương, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban An toàn giao thông các cấp lập dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp chung.

Riêng đối với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập dự toán bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an phường, thị trấn gửi cơ quan tài chính cùng cấp địa phương, đồng gửi Bộ Công an để theo dõi, quản lý chung lực lượng của ngành Công an.

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phân bổ kinh phí.

Riêng năm 2018, địa phương sử dụng 70% số kinh phí NSTW bổ sung có mục tiêu cho địa phương từ nguồn xử phạt VPHC cho lực lượng công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 30% còn lại cho các lực lượng khác của địa phương.

Thiên Ân