Không bật đèn chiếu sáng khi lái xe buổi tối có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Trả lời:  Luật Giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008 quy định đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phải chấp hành các quy tắc giao thông, trong đó quy định các phương tiện lưu thông trên đường, thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau phải bật đủ đèn chiếu sáng.

Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì lỗi không bật đèn chiếu sáng khi tham gia giao thông lúc tối trời sẽ được quy định cụ thể với ô tô, xe máy.

- Với người điều khiển ô tô vi phạm lỗi này sẽ bị phạt từ 600-800.000 đồng theo Điểm g, Khoản 3, Điều 5 của Nghị định.

Điểm g: Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều.

Nếu thực hiện hành vi này mà gây tai nạn giao thông thì lái xe cũng sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng theo quy định tại Điểm c, Khoản 12, Điều 5

- Đối với mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), mức phạt sẽ từ 80.000 - 100.000, được quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 6: 

Điểm c: Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.

Trong trường hợp thực hiện hành vi này mà gây tai nạn giao thông thì người lái mô tô, xe máy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng, theo quy định tại Điểm c, Khoản 12, Điều 6.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ bị phạt từ 200.000 - 400.000 đồng theo quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 7. Ngoài ra, nếu gây tai nạn giao thông, người lái xe (khi điều khiển máy kéo) còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 đến 4 tháng.

Ban ATGT tỉnh Cà Mau