Trong bổng chốc vợ phải lìa xa chồng, con cái phải lìa xa cha, mẹ, nhiều gia đình phải rơi vào hoàn cảnh nợ nần túng quẫn. Trong đó, phải kể đến những gia đình bình thường vốn đã khó khăn, khi rơi vào hoàn cảnh đau thương này lại càng khốn khó nhiều hơn và hơn lúc nào hết, ở đó họ đang rất cần sự chung tay, chia sẻ từ cộng đồng để từng bước vượt qua nỗi đau này.

Bàn thờ của 2 vợ chồng người con trai bị TNGT chính là thứ quý giá nhất trong ngôi nhà lụp sụp của bà Lê Thị Mâu trong thời điểm hiện tại.

Tuổi già không nơi nương tựa

Cùng cực của sự túng quẫn chính là những từ ngữ dùng để miêu tả thực tế về những mảnh đời bất hạnh, khó khăn do nỗi đau mang tên TNGT để lại. Đơn cử như trường hợp của bà Lê Thị Mâu, 71 tuổi, ngụ khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Bà Mâu cũng đâu có ngờ rằng tới cái tuổi “gần đất, xa trời” này rồi mà phải một mình quạnh hiu trong căn nhà “trống trước, dột sau”. Nói là nhà nhưng thực ra giống như một mái chòi tạm chỉ được vỏn vẹn vài m3 và được dựng trên phần đất người con rể cho mượn để ở. Trong nhà chẳng có thứ gì quý giá ngoài chiếc bàn thờ với 2 tấm di ảnh của người con dâu và đứa con trai mới vừa mất cách nay hơn 1 năm. Đứa con trai là bà Mâu mong mỏi sẽ nương tựa lúc tuổi già bóng xế, thế nhưng, trong một lần bất cẩn khi lưu thông trên đường anh Mai Văn Cần đã ra đi mãi mãi để lại mẹ già đơn côi trong căn nhà trống quơ. Với đôi mắt lờ mờ do bệnh cườm, cùng sức khỏe yếu giờ đây cuộc sống bà Mâu chỉ nhờ vào vợ chồng người con gái cũng rất khó khăn, cũng phải chạy ăn từng bữa. Ông Nguyễn Thanh Tín, Bí thư Chi bộ khóm Rạch Gốc B cho biết: “Hiện nay hoàn cảnh của bà Mâu thực sự rất khó khăn, đây là đối tượng già neo đơn không thể lao động được gì mà nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, do đó, địa phương cũng rất là quan tâm, các chính sách hỗ trợ, kêu gọi mạnh thường quân cũng được tạo điều kiện để đem đến. Bên cạnh đó, địa phương đã đề nghị cấp trên và cũng đã chấp thuận thống nhất cất lại cái nhà theo diện hộ nghèo vào dịp Tết nguyên đán năm nay”. Đó cũng chính là niềm mong mỏi nhất đối với bà Lê Thị Mâu trong thời điểm này. Nhìn hình ảnh còm nhom, khắc khổ của người mẹ già ngồi cô đơn bên hiên nhà quạnh quẽ đã làm chạnh lòng các thành viên đoàn công tác Ban ATGT tỉnh khi bước chân ra về.

 

Bà Lê Thị Mâu, 71 tuổi ngồi bên ngôi nhà của mình tại khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Chỉ trong vòng hơn 01 năm, gia đình bà Trần Cẩm Vân, 59 tuổi, ngụ địa bàn ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển phải nhận 03 cái tang. Do hoàn cảnh khó khăn vợ, chồng của các con bà Vân phải tha phương lên tận tỉnh Bình Dương để làm thuê. Trong đợt dịch Covid – 19 bùng phát bà Vân đã mất 2 đứa con dâu và người con rể cũng vừa ra đi mãi mãi hơn 01 tháng nay vì TNGT tại tỉnh Bình Dương và đứa con gái của bà Vân đi cùng xe cũng đang phải điều trị tích cực tại đây. Gia đình vốn dĩ đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn, nhà cửa có thứ gì điều phải cầm cố, bán tháo để lo cho con. Thế nhưng, sự thật trớ trêu “dậu đổ thì bìm bìm leo”, căn nhà hiện tại gia đình bà đang ở trên phần đất mà ngày xưa người con rể hứa cho nay cũng bị đòi trả lại, hiện tại gia đình bà Vân gần như kiệt quệ, tay trắng. Chia sẻ trong nước mắt bà Vân ngẹn ngào: “Giờ vợ, chồng tôi cũng không cần gì nhiều, chỉ mong muốn chính quyền cấp cho miếng đất nhỏ để cất nhà làm nơi chốn ở ổn định, để còn lo cho mấy đứa cháu cho nó học hành đàng hoàng thôi”.

Vợ lìa chồng, mẹ lìa con

Từ khi vợ mất đi, hoàn cảnh gia đình vốn đã khó nay càng khó hơn, 1 mình anh Nguyễn Văn Toàn, ngụ ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển phải gồng gánh nuôi 2 đứa con nhỏ (1 đứa bị thiểu năng bẩm sinh).

Chắc có lẽ trên cõi đời này, nỗi đau xa lìa nhau chính là nỗi đau đem lại nhiều sự tiếc nối và đau buồn cho người ở lại. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Toàn, 40 tuổi và chị Lê Thị Cẩm Tú, 35 tuổi, ngụ ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển có với nhau 02 mặt con 1 bé gái 12 tuổi và 1 bé trai 8 tuổi. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, bởi nguồn thu nhập chính của gia đình nhỏ này chỉ nhờ vào việc giữ vuông và làm thuê tại địa phương. Đứa con gái đầu lòng của 2 vợ chồng anh Toàn không may bị thiểu năng bẩm sinh, vợ chồng anh phải thay nhau chăm sóc hằng ngày. Vào tháng 12/2021, biến cố bất ngờ ập đến với gia đình, trong một lần bất cẩn chị Tú điều khiển xe trượt té rơi vào cống vuông trước nhà tử vong để lại 2 đứa con nhỏ một mình anh Toàn gồng gánh chạy ăn từng bữa. Nhìn đứa bé nhỏ thó so với cái tuổi 12 của mình, vẫn hằng ngày vái lại bàn thờ mẹ, mong muốn mẹ về với mình mà ai chứng kiến cũng phải chạnh lòng. “Giờ chỉ mong có chổ làm có thu nhập ổn định để nuôi 2 đứa nhỏ đàng hoàng, cho thằng em của nó có thể học đến nơi đến chốn là được rồi, chứ giờ không mong muốn gì hơn” - anh Toàn bùi ngùi chia sẻ.

Đó cũng là một vài trường hợp trong rất nhiều trường hợp bị ảnh hưởng từ nỗi đau mang tên TNGT. Đã đến lúc mỗi người trong chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc về thảm họa TNGT, không dừng lại ở những rủi ro thông thường mà phải xem nó là một thứ “nhân tai”, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa trong việc chấp hành luật giao thông, đồng thời chung tay giúp đỡ, hỗ trợ gia đình thân nhân, nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh khó khăn, xoa dịu nỗi đau TNGT để không ai phải bỏ lại phía sau./.

Lê Chí