b. Vạch 2.2: Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, liền nét.
Áp dụng: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.
Minh họa:
Hình G.11 - Vạch 2.2
Quy cách: Vạch 2.2 là vạch đơn, liền nét, màu trắng, bề rộng vạch 15 cm.
c. Vạch 2.3: Vạch giới hạn làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên
Áp dụng: Vạch giới hạn làn đường dành riêng cho một loại xe cơ giới nhất định (vạch liền nét), các loại xe khác không được đi vào làn xe này trừ những trường hợp khẩn cấp theo Luật Giao thông đường bộ.
Vạch giới hạn làn đường ưu tiên cho một loại xe cơ giới nhất định (vạch đứt nét), các xe khác có thể sử dụng làn đường này nhưng phải nhường đường cho xe được ưu tiên sử dụng làn khi xuất hiện loại xe này trên làn xe.
Xe trên làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên có thể cắt qua các vạch này khi làn đường hoặc phần đường xe chạy liền kề không cấm sử dụng loại xe này.
Minh họa:
Hình G.12 - Minh họa bố trí vạch giới hạn làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt
Quy cách:
- Vạch giới hạn đường dành riêng hoặc ưu tiên được cấu tạo bằng vạch đơn, màu trắng, bề rộng vạch 30 cm. Vạch 2.3 có thể là vạch đứt nét hoặc vạch liền nét. Đối với vạch nét đứt, bề rộng nét liền L1 = (1 m - 2m), bề rộng nét đứt L2 = (1 m-2 m), tỷ lệ L1/L2 = 1:1.
- Vạch 2.3 dạng nét đứt cũng được dùng để xác định phạm vi làn đường dành riêng hoặc ưu tiên ở vị trí đầu hoặc cuối làn đường như minh họa trên Hình G.12.
- Vạch giới hạn làn đường dành riêng hoặc ưu tiên được sử dụng đi kèm với chữ viết biểu thị loại xe được dành riêng hoặc ưu tiên hoặc có thể đi kèm với ký hiệu chỉ loại xe được phép sử dụng làn đường.
- Vạch giới hạn làn đường dành riêng hoặc ưu tiên được kẻ từ chỗ bắt đầu bố trí làn đường dành riêng hoặc ưu tiên, cứ qua một nút giao phải viết lại chữ một lần. Nếu khoảng cách giữa các ngã tư dài hơn 500 m thì có thể viết chữ nhắc lại ở quãng giữa đoạn đường.
G1.3. Nhóm vạch giới hạn mép phần đường xe chạy
a. Vạch 3.1: Vạch giới hạn mép ngoài phần đường xe chạy hoặc vạch phân cách làn xe cơ giới và làn xe thô sơ Áp dụng: để xác định mép ngoài phần đường xe chạy hoặc phân cách làn xe cơ giới và xe thô sơ.
Khi sử dụng vạch 3.1 để xác định mép ngoài phần xe chạy (phần lề gia cố có kết cấu tương đương với kết cấu mặt đường được coi là phần xe chạy) thì mép ngoài cùng của vạch cách mép ngoài cùng phần xe chạy từ 15 đến 30 cm đối với đường thông thường và sát với làn dừng khẩn cấp đối với đường ôtô cao tốc. Vạch giới hạn mép phần đường xe chạy được áp dụng trên: đường cao tốc, đường có bề rộng phần đường xe chạy từ 7,0 m trở lên và các trường hợp cần thiết khác.
Khi sử dụng vạch 3.1 để phân chia giữa làn đường xe cơ giới và làn đường xe thô sơ thì khi bề rộng phần đường cho xe thô sơ phải đảm bảo tối thiểu 1,5 m mới kẻ vạch này, nếu không đủ 1,5m thì không bố trí vạch phân chia giữa làn đường xe cơ giới và làn đường xe thô sơ (xe cơ giới và xe thô sơ chạy chung). Khi làn đường xe thô sơ nhỏ hơn 2,5 m thì không cần bố trí vạch mép ngoài phần xe chạy phía lề đất. Chỉ bố trí làn đường dành riêng cho xe thô sơ khi mật độ xe thô sơ lớn hoặc trong trường hợp cần thiết khác. Khi tách làn xe cơ giới và xe thô sơ riêng thì phải sử dụng biển báo hoặc kết hợp sơn chữ “XE ĐẠP” trên làn xe thô sơ. Xe chạy được phép đè lên vạch khi cần thiết và phải nhường đường cho xe thô sơ.
Trường hợp tổ chức giao thông cho xe máy chạy chung làn với xe thô sơ thì phải sử dụng biển báo hoặc kết hợp sơn chữ "XE MÁY", “XE ĐẠP” trên làn này. Xe chạy được phép đè lên vạch khi cần thiết và phải nhường đường cho xe thô sơ.
Minh họa:
Hình G.13 - Minh họa bố trí vạch giới hạn mép phần xe chạy
Quy cách vạch như sau: Vạch 3.1a là vạch đơn, liền nét, bề rộng vạch b = 15 cm - 20 cm. Vạch 3.1b là vạch đơn, nét đứt, bề rộng vạch b = (15 cm - 20 cm); khoảng cách nét liền L1 = 0,6 m; khoảng cách nét đứt L2 = 0,6 m. Tỷ lệ L1/L2 = 1:1.
Huỳnh Anh