Bộ GTVT vừa chính thức trình Thủ tướng Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014). Theo đó, đơn vị soạn thảo đề xuất xếp Grab vào nhóm xe hợp đồng, không phải taxi theo đề xuất của các doanh nghiệp taxi.

Trong bản Dự thảo Nghị định trình Thủ tướng, Bộ GTVT tiếp tục giữ quan điểm hình thức sử dụng phần mềm để kết nối khách hàng với lái xe, định giá cước… được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải. Quy định này sẽ loại bỏ những tranh cãi lâu này, về việc Grab, Uber… là kinh doanh phần mềm, không phải vận tải, nên không bị điều tiết bởi điều kiện kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp, hiệp hội taxi đề xuất quy định chung tất cả xe dưới 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải đều là xe taxi, thì Bộ GTVT lại không nghĩ vậy.

Theo đó, với taxi, có taxi công nghệ (dùng phần mềm đặt xe, tính cước), taxi truyền thống (dùng đồng hồ tính cước), hoặc kết hợp cả 2. Những xe này phải gắn mào “taxi” trên nóc xe.

Với xe vận tải theo hợp đồng, có hợp đồng giấy hoặc hợp đồng điện tử, nhưng dữ liệu hợp đồng phải chuyển về Sở GTVT địa phương để giám sát và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Trong nhóm này có xe hợp đồng điện tử như đang thí điểm (tức Uber, Grab…).

Tuy không xếp Uber, Grab vào nhóm xe taxi, mà là xe hợp đồng điện tử, nhưng để đảm bảo công bằng, Bộ GTVT đưa ra điều kiện kinh doanh với 2 nhóm này tương tự nhau.

Như với taxi, phải có sức chứa dưới 9 chỗ, niên hạn không quá 12 năm, không được sử dụng xe hoán cải xuống 9 chỗ làm taxi.

Với xe hợp đồng điện tử, chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mới được sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.

Đồng thời, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi cũng phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm, không dùng xe hoán cải từ nhiều chỗ xuống 9 chỗ để vận tải hành khách (tương tự điều kiện taxi).

“Điều kiện này nhằm đảm bảo công bằng xe hợp đồng xe taxi, do đối tượng này có tính chất, phạm vi hoạt động, sức chứa phương tiện giống xe taxi. Đồng thời, sau 2 năm thí điểm hoạt động của xe hợp đồng điện tử đã phát sinh vấn đề, điều kiện kinh doanh chưa tương đồng, dẫn tới đấu tranh, khiếu nại giữa các đơn vị. Do đó, dự thảo đưa điều kiện 2 loại hình tương đương nhau, để đảm bảo công bằng”, Bộ GTVT nêu quan điểm về dự thảo.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định trình Thủ tướng cũng bổ sung quy định mới đối với việc quản lý, sử dụng hợp đồng vận tải điện tử; quy định về trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí vận tải.

Ý kiến khác nhau từ các chuyên gia.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, sau hai năm soạn thảo.

Với việc bổ sung loại hình giao dịch điện tử cho phù hợp với xu thế mới, dự thảo nêu Grab car được coi là xe hợp đồng điện tử, phải niêm yết phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ" và các thông tin trên xe theo nội dung quy định. Loại hình vận tải này không phải gắn hộp đèn trên nóc xe như một số đề xuất trước đó. 

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội, bày tỏ ủng hộ đề xuất này của Bộ Giao thông vì cho rằng, "xe Grab là kết quả của công nghệ, không thể bắt nó mặc áo quần như taxi truyền thống".

Theo ông, ở một số nước như Singapore, Grab car chỉ có một biểu tượng hình con thú được gắn trên xe để trên phân biệt với taxi truyền thống, không cần thiết phải gắn mào.   

"Grab là khai thác xe nhàn rỗi, bắt lái xe đục lỗ gắn mào trên nóc sẽ rất khó, và khiến nhiều người từ bỏ không tham gia vào thị trường vận tải nữa. Ngoài ra, nhiều hành khách cũng không muốn đi xe có mào vì họ thích cảm giác được đi xe riêng", ông Liên nhận định.

Mô tả phân biệt điểm khác biệt giữa Grab với taxi truyền thống

Ngoài ra, ông Liên cho nếu bắt buộc xe Grab phải gắn mào sẽ làm tăng chi phí xã hội, trong khi chỉ cần có số xe là cơ quan chức năng dễ dàng biết được xe đó thuộc loại hình gì. "Hiện xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu, như vậy là đủ để các cơ quan chức năng kiểm soát", ông Liên nói.

Với những xe Grab không gắn phù hiệu mà vẫn đón khách dọc đường, ông Liên cho rằng, đây là hiện tượng tiêu cực khó loại bỏ trong xã hội cũng như vẫn có nhiều taxi truyền thống chạy dù. Do đó, cơ quan quản lý cần tuyên truyền nâng cao ý thức của lái xe hơn là siết chặt quản lý chúng làm ảnh hưởng đến số đông.

Một chuyên gia khác cũng cho rằng, xe Grab cần được coi là xe hợp đồng vì nhiều người muốn thuê xe hợp đồng để "giống xe gia đình" hơn là phải đi xe gắn mào như taxi. Ngoài ra, nếu xe Grab gắn hộp đèn thì người dân sẽ được đón xe tràn lan trên các tuyến phố mà không sử dụng ứng dụng phần mềm, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị. 

Grab cho rằng hoạt động của GrabTaxi không nằm trong Đề án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải.

Trái với các quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, xe Uber, Grab trước khi vào Việt Nam là "kinh tế chia sẻ", giúp giảm xe cá nhân lưu thông trên đường. Tuy nhiên, trong thực tế, xe hợp đồng điện tử ở Việt Nam cũng kinh doanh vận tải như taxi nên cần quản lý giống taxi; nếu không gắn mào thì cơ quan chức năng nên bắt buộc có màu biển riêng (ví dụ màu vàng) để phân biệt với xe cá nhân. 

"Tôi cho rằng, xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ phải coi là taxi", ông Thanh nói. 

Cùng quan điểm coi Grab car là taxi, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ, "với tư cách khách hàng, khi chọn xe tôi không quan tâm xe có mào hay không, điều quan trọng là dịch vụ, giá cước của phương tiện đó".

"Tôi có trao đổi với một số lái xe Grab thì họ bảo vẫn đồng thuận nếu phải gắn hộp đèn giống taxi, khi không kinh doanh thì họ lại tháo hộp đèn để trở lại xe cá nhân, việc này không phức tạp như mọi người nghĩ", ông Thủy nói. 

Cả nước có 866 đơn vị vận tải với hơn 36.800 phương tiện tham gia thí điểm hợp đồng điện tử. Trong đó TP HCM có 506 doanh nghiệp, ba nhà cung cấp phần mềm, 21.600 xe. Hà Nội có 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm với hơn 15.000 xe.  

Thời gian qua, nhiều ý kiến tranh cãi nảy sinh giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp taxi về loại hình Grab car được xếp vào loại hình xe hợp đồng hay taxi. Một số đề xuất đã được đưa ra để phân biệt loại hình này như gắn hộp đèn trên nóc, gắn biển màu vàng...

Theo dailo.vn