Theo báo cáo của Hội đồng đặt tên đường, TP.HCM hiện có gần 400 tên đường cần đổi do bị sai và trùng.

Cụ thể, trong gần 400 tên đường cần đổi thì có 311 đường trùng tên với 132 tên đường, như đường Lê Lai (Q1, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn), Lê Lợi (Quận 1, Gò Vấp, Thủ Đức), Cô Bắc, Cô Giang (Quận 1, Phú Nhuận), Phan Văn Trị (Gò Vấp, Bình Thạnh, Quận 5)…; 38 tên đường không chính xác làm người dân không biết đúng tên các nhân vật lịch sử hoặc địa danh, như Kha Vạn Cân (tên đúng là Kha Vạng Cân), Tôn Đản (tên đúng là Tông Đản), Trương Quốc Dung (tên đúng là Trương Quốc Dụng)….

Sở GTVT TP.HCM thí điểm tra bảng tên mã QR trên đường Lý Tự Trọng, Q.1

Trong số này còn có 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử văn hoá bởi ban đầu chưa có tên nên người dân tự đặt cho tiện liên lạc, trao đổi thông tin và dần dần thành quen. Ví dụ như đường Bùi Hữu Diện Lô 1, Hoàng Diệu 2… và các trường hợp tên đường còn chưa thống nhất ý kiến như: Cao Đạt, Khải Định, đường Ấp Chiến Lược…

E ngại phải đổi lại giấy tờ khi đổi tên đường, bà Vũ Thu Thủy, nhà ở đường Kha Vạn Cân (tên đúng là Kha Vạng Cân), TP Thủ Đức bức xúc: “Nhà tôi ở đây 30 năm rồi, vẫn để tên đường Kha Vạn Cân, người dân chúng tôi đã quen với tên gọi này, giờ đổi lại sẽ rất khổ. Nhiều loại giấy tờ sẽ phải làm lại nên chăng thành phố vẫn giữ lại tên cũ nhưng tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về tên thật của các danh nhân, tên lịch sử”.

Ông Tạ Văn Chín sinh sống tại đường số 11, quận Bình Thạnh bày tỏ ngán ngẩm mỗi khi phải gọi xe taxi hay có khách đến chơi. “Trước đây trên giấy tờ thì con đường trước cửa nhà tôi là đường số 11 nhưng không hiểu sao cắm biển là đường Miếu Nổi. Mãi đến năm 2021, sau khi dân ý kiến thì được cắm lại biển là đường số 11. Thế nhưng định vị trên Google Maps không tìm ra địa chỉ này. Tôi mong sớm có tên đường được rõ ràng để người dân yên tâm”, ông Chín nói.

Đồng tình việc sớm đổi tên đường, TS Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, hiện nay TP có nhiều tên đường bị sai, trùng khiến người dân không biết hoặc hiểu chưa đúng về các nhân vật lịch sử hoặc địa danh.

Việc điều chỉnh là cần thiết nhưng nên hạn chế vì sẽ dẫn đến xáo trộn lớn cho cuộc sống người dân trong việc xác nhận, chuyển nhượng nhà đất, hồ sơ giấy tờ. Nhưng trước mắt cần ưu tiên đổi tên 38 tên đường không chính xác mà hội Hồng đặt tên đường đã kiến nghị UBND TP trước đó.

Theo TS Trương Hoàng Trương, các cơ quan nhà nước cũng như ở địa phương có liên quan đến tên đường cần đặt, đổi cần phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Chẳng hạn như có cập nhật chung trên tất cả các giấy tờ của hộ gia đình, cá nhân…, tên đường sai thì điều chỉnh lại và kèm tờ giấy quyết định đó, để khi người dân cần giao dịch hành chính thì chứng minh được. Việc này được cập nhật trên hệ thống quản lý để dễ dàng xác định được.

Trước đó, tháng 9/2020, Sở Văn hóa - Thể thao đã có văn bản đề xuất UBND TP xem xét điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác nhưng đến nay các tên trên vẫn chưa được điều chỉnh.

Tuy nhiên, để tránh xáo trộn đến cuộc sống của người dân, trong số 38 tuyến đường bị đặt sai, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đề xuất giữ nguyên 20 tên đường hiện hữu. Chẳng hạn như: Lê Thánh Tôn - Lê Thánh Tông; Nơ Trang Long - N’Trang Lơng; Trần Khắc Chân - Trần Khát Chân; Tôn Đản - Tông Đản...

Để người dân hiểu rõ hơn về lịch sử tuyến đường bị sai, Sở GTVT TP.HCM đã triển khai thí điểm một số bảng thông tin tiểu sử các tên đường để người dân tra cứu thông tin thông qua mã QR code tại bảng tên đường từ tháng 10/2020.

Theo Báo Giao thông