10. Thâm Quyến: Đây là một trong những hệ thống tàu điện ngầm non trẻ nhất trong danh sách này. Chỉ mới đi vào hoạt động từ năm 2004 nhưng tuyến tàu này đã được xếp hạng là hệ thống tàu điện ngầm dài thứ 4 trên thế giới sau nhiều lần mở rộng. Theo số liệu thống kê năm 2019, 1,62 tỷ lượt khách đã sử dụng tàu điện ngầm Thâm Quyến.

9. Thành phố Mexico: Đứng thứ 9 trong danh sách này là hệ thống tàu điện ngầm của thành phố Mexico. Đây cũng là hệ thống tàu điện ngầm nhộn nhịp thứ hai ở Bắc Mỹ, tự hào với lượng hành khách năm 2019 là 1,65 tỷ. Bắt đầu từ năm 1969, tuyến metro này có chiều dài hơn 200 km với 12 tuyến. Trong đó, có 10 tuyến sử dụng lốp cao su thay vì bánh thép truyền thống, giúp các chuyến tàu chạy êm hơn một số công nghệ khác trong danh sách này.

8. Hồng Kông: Tuyến đường sắt này là sự kết hợp giữa hai tuyến đường sắt hạng nặng và hạng nhẹ, kết nối đảo Hồng Kông với bán đảo Cửu Long và các khu vực khác trên lãnh thổ Hồng Kông. Số liệu năm 2019 cho thấy, có đến 1,68 tỷ lượt khách đã sử dụng tàu điện ngầm.

7. New York: Đây là hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất thế giới tính theo số lượng ga tàu. Các chuyến tàu màu xám nổi tiếng phục vụ 472 nhà ga khắp thành phố trên 36 tuyến. Năm 2019, Cơ quan Giao thông Đô thị NewYork báo cáo, lượng hành khách sử dụng tàu điện là 1,69 tỷ, trong đó Quảng trường Thời đại là nhà ga nhộn nhịp nhất.

6. Bắc Kinh: Không có gì đáng ngạc nhiên khi tàu điện ngầm thành phố Bắc Kinh có mặt trong danh sách này. Hệ thống tàu điện ngầm thủ đô Trung Quốc trải dài 450 dặm với 24 tuyến, gồm 428 nhà ga. Khi được mở rộng thêm, tổng chiều dài mạng lưới sẽ lên đến gần 1.000 km. Theo số liệu thống kê năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, ước tính có 2,29 tỷ người đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, giúp nó dành được vị trí thứ 6 trong danh sách này.

5. Quảng Châu: Quảng Châu là một trong những thành phố cảng lớn và quan trọng nhất của Trung Quốc. Thủ phủ của tỉnh Quảng Đông cũng tự hào sở hữu một trong những hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất và nhộn nhịp nhất đất nước, dù mới chỉ hoạt động cách đây 23 năm. Ước tính có 4 tỷ người đã đi tàu điện ngầm Quảng Châu vào năm 2020, vừa đủ để đưa nó vào top 5 danh sách này.

4. Moscow: Tàu điện ngầm Moscow là một trong những mạng lưới giao thông nổi tiếng nhất và đẹp nhất thế giới. Được xây dựng năm 1935, sự hùng vĩ luôn hiện diện trong thiết kế của hệ thống tàu điện này cũng như lượng hành khách của nó. Moscow Metro thống kê, đã có 2,56 tỷ lượt khách sử dụng tàu điện ngầm năm 2019.

3. Tokyo: Là một trong hai hệ thống tàu điện ngầm ở Thủ đô Tokyo, hệ thống này đã vận chuyển 2,7 tỷ người trong năm 2019. Hình ảnh các nhân viên phải đẩy, dồn ép hành khách vào các toa tàu chật ních trong giờ cao điểm đã quá quen thuộc ở tàu điện ngầm Tokyo.

2. Thượng Hải: Đây là hệ thống tàu điện ngầm lâu đời thứ 3 ở Trung Quốc, sau Bắc Kinh và Thiên Tân, đồng thời là hệ thống nhộn nhịp nhất. Ước tính đã có 2,8 tỷ lượt khách di chuyển trên 462 dặm đường ray vào năm 2020, theo thống kê của Bộ GTVT Trung Quốc. Đây cũng là tuyến tàu điện ngầm dài nhất thế giới và nó không ngừng được mở rộng.

1. Seoul: Thủ đô Seoul của Hàn Quốc là một đô thị sầm uất với mật độ dân số 16.000 người/km2. Tàu điện ngầm Seoul đã vận chuyển 2,9 tỷ lượt khách năm 2019. Với 333 nhà ga, tàu điện ngầm Seoul cũng tự hào là hệ thống tàu điện ngầm thuận tiện nhất trên thế giới, với màn hình LCD hiển thị tin tức và giá cổ phiếu, có điều hòa lạnh mùa hè và thậm chí cả ghế sưởi cho mùa đông. Việc mở rộng mạng lưới tàu điện ngầm được lên kế hoạch hàng năm cho tới năm 2025, đồng nghĩa với việc hệ thống này thậm chí còn nhộn nhịp hơn trong một vài năm tới.

Theo Interlligent Transport