Phần 8 – Kỳ nghỉ hiếm hoi trước cơn bão lớn

Chỉ 4 tuần trước lễ ra mắt Model S, SpaceX đã phóng thành công một kiện hàng lên Trạm Không gian Quốc tế ISS và đưa đầu tên lửa trở về Trái Đất – lần đầu tiên một công ty tư nhân làm được điều này. Thành tích đó cộng với sự kiện ra mắt Model S đã khiến mọi người tại Thung lũng Silicon thay đổi cách nhìn nhận Elon Musk một cách chóng mặt. Gã khùng chỉ biết hứa, hứa và hứa nay đã làm được những điều không tưởng. “Có lẽ tôi đã quá lạc quan về thời gian hoàn thành những mục tiêu này, nhưng tôi không hề hứa suông về thành quả. Tôi đã hoàn tất mọi việc mình hứa sẽ làm”, Musk mói trong sự kiện ra mắt Tesla ModelS.

Riley, vợ hai của Elon Musk, không ở bên anh để ăn mừng những cột mốc quan trọng này. Họ đã ly hôn và Musk cũng mới chỉ tạm thở phào nhẹ nhõm sau nhiều năm vật lột với 2 công ty của mình. Bất chấp những rối loạn trong cuộc sống riêng tư, Musk vẫn đạt đến độ bình thản mà anh chưa từng cảm thấy trong nhiều năm. Musk đã đưa 5 người con của mình đến Maui thăm em họ Kimbal cùng những họ hàng khác, đó là chuyến nghỉ mát thực sự của anh trong vài năm vừa qua.

Tuy nhiên, quãng thời gian thảnh thơi của Musk chẳng kéo dài được bao lâu và cuộc chiến sinh tồn của Tesla lại tiếp tục nóng lên. Ban đầu, công ty chỉ sản xuất được 10 chiếc Model S mỗi tuần và vẫn còn hàng nghìn đơn đặt hàng tồn đọng. Những kẻ chuyên bán khống, tức là chuyên “bắt đáy cắt ngọn”, đẩy cổ phiếu Tesla lên mức cao kỷ lục và đang nắm giữ một lượng cổ phiếu quan trọng tại Tesla – đúng, mã cổ phiếu này siêu lời, nhưng phần lớn tiền lời lọt vào tay những kẻ đầu cơ. Chưa hết, tháng 10/2012, Mitt Romney, ứng cử viên tranh chức Tổng thống Mỹ đã gán cho Tesla cái danh “kẻ thất bại” và phỉ báng những khoản vay mà chính phủ dành cho Tesla trong một cuộc tranh biện với Barrack Obama.

Trong lúc nhiều kẻ đang đặt câu hỏi về số mệnh của Tesla thì thói huênh hoang của Musk lại bộc phát. Anh bắt đầu nói về kế hoạch đưa Tesla thành công ty xe hơi sinh lời tốt nhất thế giới, hơn cả BMW. Tháng 9/2012, anh đã tiết lộ mộ điều khiến cả phe chống đối và ủng hộ sửng sốt: Tesla đã bí mật xây dựng một trạm sạc nhanh đầu tiên trong 1 mạng lưới các trạm sạc điện. Công ty công bố 6 địa điểm dựng trạm tại California, Nevada, Arizona và hứa hẹn sẽ có hàng trăm trạm khác được hoàn thành trong tương lai gần. Các chủ xe Model S có thể thoải mái vi vu khắp nước Mỹ mà chẳng tốn một xu tiền nhiều liệu nào. Máy tính trung tâm của xe được tích hợp địa điểm các trạm sạc và bản đồ sẽ dẫn họ đến trạm gần nhất. Musk và Von Holzhausen đã thiết kế các tảng đá khổng lồ sơn màu đỏ trắng ở mỗi trạm sạc để vừa tạo sự nổi bật, vừa khiến chủ xe dễ dàng nhận diện các trạm sạc.

Các trạm “Supercharger” này đại diện cho một khoản đầu tư lớn của một công ty đang thiếu tiền. Nhiều người cho rằng đầu tư vào những thứ bấp bênh như vậy là quá ngớ ngẩn và điên rồ. Tuy nhiên, đó là một kế hoạch dài hơi kiểu “được ăn cả, ngã về không” đặc trưng của Elon Musk. Xét về lâu về dài, những trạm sạc siêu nhanh này sẽ là lợi thế vượt trội của Tesla trong tương lai: khi các đối thủ bắt đầu làm xe điện thương mại thì đội xe Tesla đã có thể vi vụ đây đó bằng những trạm sạc nhanh miễn phí dành riêng cho chúng.

Tuy sự xuất hiện của Model S và mạng lưới trạm sạc nhanh giúp Tesla xuất hiện ngập tràn trên các trang báo, nhưng không ai biết liệu những tin tức truyền thống tích cực và thiện cảm dành cho công ty sẽ kéo dài được bao lâu. Những quyết định đánh đổi quan trọng đã khiến Tesla phải gấp rút đưa Model S ra thị trường. Chiếc xe có nhiều tính năng mới lạ nhưng nếu so sánh chi tiết, Model S vẫn còn nhiều thứ chưa cạnh tranh được với một chiếc S Class hay 7 Series. Chẳng hạn, vài nghìn chiếc Model S đầu tiên được chuyển đến khách hàng mà không có cảm biến đỗ xe hay hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng.

Chất lượng gia công dưới mức trung bình cũng rất khó chấp nhận được. Người dùng ban đầu có thể bỏ qua việc cần gạt nước hoạt động không như ý muốn nhưng họ có quyền đòi hỏi chất lượng ghế ngồi và kính lái xứng với kỳ vọng ở 1 chiếc xe có giá 6 con số. Tuy Tesla đã rất cố gắng tìm kiếm nguồn cung vật tư chất lượng cao nhưng đôi lúc họ vẫn gặp khó khăn khi thuyết phục các nhà cung cấp lớn. “Họ nghi rằng chúng tôi chỉ sản xuất được vài nghìn chiếc Model S mà thôi. "Thật thất vọng vì chúng tôi có động lực hoàn thiện chiếc xe ở mức tối đa nhưng không tìm được sự cam kết tương tự từ bên ngoài. Đối với kính lái, chúng tôi phải bắt tay với một nhà cung cấp hạng ba rồi cùng họ cải thiện chất lượng kính lái”, Von Holzhausen chia sẻ. Tuy nhiên, những vấn đề thẩm mỹ không là gì so với tình trạng nội bộ rối ren, thứ làm công ty suýt phá sản một lần nữa.

Musk đã thuê George Blankenship, cựu giám đốc của Apple, để điều hành các cửa hàng và hoạt động tại các trung tâm chăm sóc của họ. Tại Apple, chức vụ của George chỉ kém Steve Jobs 2 bậc và ông được tín nhiệm nhờ đã xây dựng phấn lớn chiến lược cho Apple Store. Cũng giống với các sản phẩm của Apple, George muốn biến Model S thành thứ gì đó còn hơn cả 1 chiếc xe. Lý tưởng nhất, ông muốn Model S hấp dẫn như iPhone hay iPod. Tesla có hơn 10.000 đơn đặt hàng trước mà khách hàng không cần lái thử xe. Sự hứng thú ban đầu này hầu hết là kết quả từ khí chất toát ra từ Musk, người được George nhận xét là rất giống Jobs nhưng có phong thái vừa lấn át, vừa ôn hòa hơn. “Đây là lần đầu tiên tôi làm việc tại một công ty sẽ thay đổi thế giới”, George Blankenship nói, thi thoảng lại đá xoáy những sản phẩm tầm thường của Apple.

Ban đầu, Musk và Blankenship khá tâm đầu ý hợp, nhưng mối quan hệ của họ đã đổ vỡ vào cuối năm 2012. Các trung tâm Tesla hoạt động rất yếu kém và George dường như chẳng có động thái gì để xoay chuyển điều đó. Tesla có rất nhiều đơn đặt trước nhưng đang không thể biến chúng thành doanh số đủ nhanh như kỳ vọng. Có thể những lời phàn nàn về lô xe đầu tiên trên các diễn đàn cũng như mặt báo đã khiến nhiều khách hàng chưa nhận xe chùn chân.

Tesla cũng đang thiếu các phương án tài chính linh hoạt, khách hàng chẳng có mấy lựa chọn ngoài việc phải bỏ thẳng 1 cục tiền 100.000 USD để mua xe, trong khi việc bán lại các mẫu Model S trên thị trường xe cũ cũng rất mơ hồ. Rốt cuộc, bạn có thể mua chiếc xe của tương lai, hoặc phải chi ra số tiền 6 con số để đổi lấy một bộ pin không hoạt động, và chẳng có ai muốn mua chiếc xe vẫn còn hạn bảo hành của bạn. Nhiều khách hàng tiềm năng cũng lọc lõi hơn, họ muốn đứng ngoài cuộc chơi xe điện và chờ đến khi quyết định mua xe Tesla cũng an toàn như chọn 1 chiếc xe sang Đức như BMW hay Mercedes-Benz.

Đến giữa tháng Hai năm 2013, Tesla thực sự lâm vào khủng hoảng. Nếu không thể nhanh chóng biến các đơn giữ chỗ thành đơn mua hàng, nhà máy sẽ ngưng hoạt động và khiến công ty thua lỗ nặng nề. Tệ hơn, nếu có ai đó nghe ngóng được chuyện nhà máy đình trệ, cổ phiếu Tesla rất có thể sẽ lao dốc, khách hàng tiềm năng sẽ càng cẩn trọng hơn và người được lợi duy nhất là những kẻ bán khống cổ phiếu. Các lãnh đạo cấp cao của Tesla cố giấu những tin xấu nhưng khi Musk biết chuyện, anh lập tức hành động theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” đặc trưng.

Elon Musk kéo tất cả mọi người vào cuộc, từ bộ phận tuyển dụng, xưởng thiết kế, đội kỹ thuật, phòng tài chính và mọi bộ phận khác anh có thể tìm ra, rồi ra lệnh cho họ nhấc điện thoại lên, gọi cho khách hàng đặt trước và “chốt sale”. Musk tuyên bố trước toàn thể nhân viên: “Nếu như không bán xong những chiếc xe này, chúng ta sẽ chết chắc. Vậy nên, tôi không quan tâm các bạn đang làm công việc gì, công việc mới của các bạn là bán xe”. Anh giao cho Jerome Guillen, cựu giám đốc tại Daimler, trách nhiệm khắc phục mọi vấn đề ở khâu dịch vụ. Musk sa thải những lãnh đạo cấp cao mà anh cho rằng hiệu quả làm việc dưới mức trung bình và thăng chức cho những nhân viên trẻ có năng lực tốt hơn.

Anh cũng gửi tới khách hàng thông báo rằng họ có thể bán lại xe của họ với mức giá trung bình tương đương với các dòng xe sang cùng hạng, với hàng tỷ đô la tiền đảm bảo từ chính túi Musk. Tiếp đến, anh còn cố gắng sắp đặt một kế hoạch dự phòng cho Tesla, phòng trường hợp các đối sách của mình không hiệu quả. Kế hoạch đó là bán Tesla.

(còn tiếp)

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)