Phương tiện thủy chờ lấy hàng trên sông Lô, địa bàn tỉnh Phú Thọ

Ngày 5/6, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, phương tiện thủy có động cơ tổng công suất máy chính từ 5-15CV hoặc có sức chở từ 5 đến 12 người khi tham gia giao thông phải có chứng nhận đăng kiểm, đăng ký hành chính. Loại phương tiện công suất lớn hơn hoặc sức chở lớn hơn phải còn phải có thêm danh bạ thuyền viên.

Các phương tiện sau khi hết hạn đăng kiểm định được ghi trên giấy chứng nhận đăng kiểm, tem đăng kiểm phải được đơn vị đăng kiểm thủy kiểm tra, cấp chứng nhận đăng kiểm mới được tham gia giao thông.

Trường hợp phương tiện quá hạn đăng kiểm định kỳ đều được Cục Đăng kiểm VN cập nhật thông tin trên trang điện tử của Cục, sắp xếp theo biển số đăng ký tại các địa phương.

“Phương tiện quá hạn đăng kiểm nhưng vẫn tham gia giao thông sẽ bị lực lượng chức năng lập biên bản và xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 132/2015 của Chính phủ”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Lãnh đạo một số Đội Thanh tra- an toàn thuộc Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, mức xử phạt đối với phương tiện thủy hết hạn đăng kiểm tùy theo công suất hoặc sức chở của phương tiện, phương tiện càng lớn thì mức phạt càng cao. Khung phạt mức thấp nhất 200- 300 nghìn đồng, cao nhất 5 - 7 triệu đồng.

Đáng chú ý, một số trường hợp phương tiện không mang theo giấy chứng nhận đăng kiểm bị phạt bằng mức với giấy chứng nhận đăng kiểm hết hạn.

Cụ thể: Phạt tiền 200 - 300 nghìn đồng đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 - 1 CV hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người. phạt 300 - 500 nghìn đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 100 tấn hoặc có sức chở trên 12 người đến 50 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 đến 100 sức ngựa hoặc có sức chở trên 12 người đến 50 người.

Phạt 500 - 700 nghìn đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 100 tấn đến 500 tấn hoặc có sức chở trên 50 người đến 100 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 100 - 400CV hoặc có sức chở trên 50 người đến 100 người;

Phạt tiền 700.000 - 1.000.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 500 tấn hoặc có sức chở trên 100 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 400 CV hoặc có sức chở trên 100 người.

Đáng chú ý, trường hợp phương tiện thủy không có giấy chứng nhận đăng kiểm, chứng nhận đăng kiểm bị phạt mức cao hơn so với lỗi không mang theo giấy tờ và mức phạt tăng theo sức chở phương tiện.

Cụ thể, loại phương tiện có sức chở 5 đến 12 người hoặc dưới 5 tấn (không động cơ) bị phạt 500.000 -1.000.000 đồng; sức chở 5-15 tấn hoặc trên 12 đến 50 người bị mức phạt là 1-2 triệu đồng; sức chở trên 15 - 100 tấn hoặc trên 50 đến 100 người mức phạt là 2-3 triệu đồng... Phương tiện không động cơ có trọng tải toàn phần trên 500 tấn, phương tiện có động cơ công suất máy chính trên 400cv hoặc sức chở trên 100 người nếu vi phạm bị phạt 5 - 7 triệu đồng.

 (Theo Giao thông 360)