Nhiều vụ tai nạn giao thông khác phần nhiều là do ý thức của người lái xe. Xe khách đường dài thì lạng lách, chạy đua với nhau. Xe tải thì trở thành “hung thần xa lộ”. Taxi thì bất chấp nguy hiểm cho người đi đường, chạy ẩu, lấn làn để tranh cướp khách. Tai nạn xảy ra, ai cũng đổ lỗi cho người lái, ít ai nhắc đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, quản lý lái xe.

Hiện trạng vụ tai nạn thảm khốc tại Chư Sê -  Gia Lai

Các lý thuyết về quản lý con người đều nhắc đến trách nhiệm của nhà quản lý đối với hành vi của nhân viên. Một nhân viên làm việc trách nhiệm, tự giác tuân thủ kỷ luật, tôn trọng khách hàng, hay vô trách nhiệm, vô kỷ luật, hỗn láo với khách hàng đều có phần trách nhiệm của cấp quản lý trực tiếp, và cao hơn là lãnh đạo doanh nghiệp, nơi nhân viên làm việc. Vì sao, cùng là nhân viên bảo vệ, mà bảo vệ của ngân hàng V. thì ngồi một chỗ hất hàm, chỉ tay cho khách dắt xe vào, ra nơi gửi xe; trong khi bảo vệ của ngân hàng A. thì lịch sự, lễ phép, dắt xe cho khách tận nơi, miệng luôn mỉm cười? Chắc chắn là do quá trình tuyển dụng có sàng lọc, và do quá trình huấn luyện đào tạo, trong đó, rất quan trọng là phần đào tạo kỹ năng và giáo dục ý thức.

Ý thức đảm bảo an toàn luôn cần khi tham gia giao thông.

Nhiều doanh nghiệp chỉ coi trọng kiến thức và kỹ năng nhân viên mà coi thường thái độ. Khi tuyển nhân viên đầu vào, họ chỉ chú trọng kiểm tra (cho làm bài tập, phỏng vấn trực tiếp...) kiến thức, bằng cấp, lịch sử làm việc và đánh giá kỹ năng. Ít có doanh nghiệp nào cho làm bài kiểm tra hay dùng các phương pháp chuyên môn để đánh giá thái độ. Trong quá trình phân công, giao việc, doanh nghiệp lại chú trọng kiến thức, kỹ năng, tập trung vào đào tạo kiến thức, kỹ năng hơn là giáo dục thái độ. Rồi khi đánh giá, phần kết quả công việc, được đo lường bằng những con số cụ thể (doanh số bán hàng, năng suất lao động, sản lượng làm ra...), cũng chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Ít ai quan tâm kết quả đó có được từ thái độ nào. Một lái xe taxi có thể có được doanh thu hàng ngày rất cao nhờ vào thái độ phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách với đồng nghiệp. Một lái xe đường dài có thể đến sớm hơn giờ quy định, bất chấp kẹt xe hay đường xấu, nhờ vào thái độ lạng lách, chạy đua với các lái xe khác hoặc chạy đua với thời gian. Một nhân viên bán hàng có thể vượt chỉ tiêu bán hàng trong ngắn hạn nhờ vào các chiêu trò dụ, ép, lừa phỉnh khách hàng, hoặc bán lấn sang khách hàng/địa bàn của đồng nghiệp...

Kết quả tốt hoàn toàn có thể có được nhờ thái độ xấu. Và những nhà quản lý thiếu kinh nghiệm hoặc thờ ơ, thường có thể bị mắc bẫy. Họ hài lòng với kết quả tốt (từ thái độ xấu) của nhân viên để rồi đến lúc, kết quả vô cùng xấu sẽ xảy ra cũng chính do thái độ xấu lâu ngày không được chấn chỉnh. Những vụ tai nạn thảm khốc từ thái độ của tài xế chính là ví dụ rõ ràng nhất cho sự coi thường khía cạnh này.

Kết quả tốt hoàn toàn có thể có được nhờ thái độ xấu. Và những nhà quản lý thiếu kinh nghiệm hoặc thờ ơ, thường có thể bị mắc bẫy.

Các doanh nghiệp nước ngoài thường đánh giá nhân viên bằng năng lực (competency), không phải chỉ bằng kiến thức (knowledge) hay kỹ năng (skill). Năng lực bao gồm ba thứ - kiến thức, kỹ năng và thái độ (attitude), trong đó thái độ chiếm tỷ trọng từ 65-75%, một tỷ lệ rất cao! Một nhân viên tài năng, nhưng có thái độ xấu sẽ là một kẻ phá hoại lão luyện và sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Ngược lại, một nhân viên kém tài năng hơn, nhưng có thái độ tốt, hoàn toàn có thể được đào tạo để làm việc hiệu quả.

Trở lại câu chuyện lái xe chạy ẩu, gây tai nạn, không thể không nói đến trách nhiệm của các doanh nghiệp trong vấn đề quản lý con người. Liệu họ đã chú trọng đúng mức vấn đề giáo dục ý thức, thái độ, và có biện pháp hữu hiệu để giám sát hành vi của các lái xe chưa? Và như trên đã phân tích, chính quá trình tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, giáo dục ý thức của mỗi doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định đến cách hành xử của nhân viên thuộc quyền. Đó là phần quan trọng của khoa học quản lý con người, hay thường gọi là “quản lý nguồn nhân lực” (human resources management).

Có vẻ như nhiều doanh nghiệp Việt chưa thực sự coi trọng vấn đề này!

The Thời báo kinh tế Sài Gòn