Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 03 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCA, ngày 19/5/2018 của Bộ Công an về “Đổi mới nâng cao chất lượng phong trào CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trong tình hình mới” và 04 năm Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, Đảng uỷ, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đã tổ chức triển khai, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó chú trọng chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương bám sát tình hình thực tiễn bằng những hành động, việc làm cụ thể để tham mưu, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền xây dựng các phong trào thi đua, các cuộc vận động hiệu quả về thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Qua theo dõi, sơ kết, tổng kết nhiều phong trào đã mang lại hiệu quả tốt trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông, nổi bật là phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 – 2020 góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người Cảnh sát giao thông trong giai đoạn hiện nay.
Nối tiếp thành công sau 05 năm thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2011-2015, ngày 17/02/2016, Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho Đảng ủy Công an trung ương và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục ban hành Chương trình hành động về thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020, trong đó Cục Cảnh sát giao thông là đơn vị thường trực theo dõi, chỉ đạo và lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an các địa phương là đơn vị tiên phong xây dựng, duy trì các mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Sau 05 năm triển khai thực hiện cuộc vận động toàn quốc đã xây dựng 1.618 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”; đạt được kết quả trên lực lượng CSGT đã tham mưu giúp lãnh đạo Bộ, Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia chỉ đạo Cảnh sát giao thông các địa phương chủ động tham mưu, phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương khảo sát, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, cụ thể:
Với vai trò là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo, Cục Cảnh sát giao thông đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng cuộc vận động, như: Tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với Cục Phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc trong công tác vận động toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT; Kế hoạch phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên đường thủy nội địa 28 tỉnh ven biển và 4 tỉnh biên giới Tây Nam; Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ về “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT”; Tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Hội nghị sơ kết mô hình điểm về “Văn hóa giao thông đường thủy” tại Hải Phòng và Kiên Giang được các địa phương đánh giá cao... Qua sơ kết 03 năm thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020, các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Cần Thơ, Phú Thọ, … đã tổ chức đoàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” với các địa phương triển khai hiệu quả như: tỉnh Ninh Bình (mô hình đò Mười), Quảng Bình (mô hình tuyến sông an toàn – sông Son), Cà Mau (mô hình bến tàu Đầm Dơi), Kiên Giang (mô hình tuyến sông an toàn – Cái Lớn, Cái Bé), Hải Phòng (mô hình tuyến sông Cấm văn hóa – an toàn), v.v… đồng thời Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia trao Giấy chứng nhận 75 mô hình đạt tiêu chuẩn “Văn hóa giao thông đường thủy” 3 năm 2016-2018.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã bám sát chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông chủ động tham mưu Giám đốc Công an tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh thành và các Ban ngành, UBND các cấp duy trì hoạt động của 1.457 mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” và loại bỏ 423 mô hình không đạt chuẩn. Trong 05 thực hiện cuộc vận động giai đoạn 2016-2020, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức 1.185.578 đợt tuyên truyền cho ngư dân về Luật thủy sản, Luật giao thông đường thủy nội địa, các quy định về đánh bắt thủy, hải sản và bảo vệ môi trường; tuyên truyền đến các đối tượng bà con làng chài lưu canh, lưu cư tại các tuyến sông ít có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các hoạt động tình nghĩa, hoạt động của các tổ chức Đoàn, Hội; tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho người dân sống hai bên sông cho bà con, đặc biệt học sinh các trường học gần khu vực sông, hồ…nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và sự quan tâm của cộng đồng đối với an toàn cho trẻ em, cũng như tăng cường kiến thức và kỹ năng, xử lý tình huống bơi, cấp cứu đuối nước cho các em; tổ chức lớp bồi dưỡng pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho các chủ phương tiện, người lái phương tiện, cán bộ làm công tác quản lý giao thông đường thủy nội địa; phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cho người tham gia giao thông đường thủy. Phối hợp với Công an địa phương, Cảng vụ đường thủy, Thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành nhằm tuyên truyền cho các chủ bến, cảng, doanh nghiệp, bến đò, chủ phương tiện khách thủy trên địa bàn các văn bản pháp luật có liên quan trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, tổ chức ký cam kết quyết tâm xây dựng môi trường giao thông đường thủy văn hóa, an toàn.
Lực lượng CSGT tặng áo phao, dụng cụ nổi cho các đơn vị vận chuyển hành khách đường thủy.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm TTATGT đường thuỷ vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng “ba không”: phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn; nhiều bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép theo quy định của pháp luật; phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; các phương tiện chở khách du lịch, tàu cao tốc tiềm ẩn cao nguy cơ gây TNGT; tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, sai phép vẫn diễn biến phức tạp ở hầu khắp các địa phương, điển hình là địa bàn các tuyến giáp ranh trên tuyến sông Hồng, sông Lô, sông Đáy, các tuyến ven biển khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo cuộc vận động các địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân liên ngành kiểm tra, chấn chỉnh tình hình hoạt động giao thông đường thủy, thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, giữ gìn TTXH trên đường thủy nội địa. Tình hình tai nạn giao thông đường thủy từ năm 2016-2020 toàn quốc xảy ra 423 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 268 người, bị thương 58 người. Từ sau khi triển khai Cuộc vận động giai đoạn 2 thì tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa được kiềm chế, năm sau giảm hơn năm trước về cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, song kết quả chưa ổn định, các nguy cơ xảy ra tai nạn còn rất lớn, vẫn còn tỷ lệ các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, hàng hóa của Nhà nước và nhân dân. Đạt được kết quả trên, lực lượng Cảnh sát giao thông đã khắc phục khó khăn về thời tiết nắng nóng, thiếu thốn về vật chất, tinh thần và điều kiện sinh hoạt xa trung tâm thị tứ, thị xã... chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, lắm tốt đặc điểm tình hình, làm tốt công tác điều tra cơ bản trên tuyến, địa bàn đấu tranh để tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT, góp phần quan trọng làm kiềm chế và giảm tai nạn giao thông đường thủy, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt là hình ảnh các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo Công an các đơn vị địa phương trong đó có cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đội nắng, thấm mưa, say sưa chống bão không ngại nguy hiểm, đêm, ngày, mưa, bão dầm mình trong nước lũ lạnh giá, làm cọc tiêu sống để phân luồng giao thông cho các phương tiện qua đoạn đường bị ngập; tổ chức cứu nạn, vận chuyển hàng hoá, lương thực giúp Nhân dân Miền Trung bị lũ lụt và phối hợp cứu nạn Nhân dân, công nhân Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 bị lũ lụt... là hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát giao thông học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được Nhân dân, các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.
Trang bị áo phao nhằm bảo đảm tính mạng, ATGT cho người đi đò.
Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã khơi dậy trong Nhân dân tinh thần, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thuỷ, xây dựng nếp sống văn hoá khi tham gia giao thông. Qua đó lực lượng Cảnh sát giao thông cũng tự soi, tự sửa, bám sát Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, bằng những việc làm cụ thể, gương mẫu, tự giác rèn luyện, phấn đấu về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, Chỉ thị số 04/CT-BCA, ngày 19/5/2018 của Bộ Công an về “Đổi mới nâng cao chất lượng phong trào CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trong tình hình mới” và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Cảnh sát giao thông trong tình hình hiện nay.
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định phương tiện giao thông đường thủy.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người Cảnh sát giao thông trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong tổ chức triển khai cuộc vận động theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương trong cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; đưa kết quả thực hiện cuộc vận động vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của Lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an địa phương hàng năm.
Thứ 2, lực lượng Công an nhân dân trọng tâm là lực lượng Cảnh sát đường thủy tập trung công tác vận động quần chúng để người dân thấy được lợi ích thiết thực từ cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” nói chung và các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” nói riêng mang lại cho mỗi người dân, lợi ích gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó các cá nhân và tổ chức sẽ tự nguyện và tích cực tham gia ủng hộ, xây dựng và duy trì các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” gắn với việc thực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04/CT-BCA, ngày 19/5/2018 của Bộ Công an Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
Thứ 3, thực hiện tốt công tác phối hợp với các cấp chính quyền, các đơn vị chức năng, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, TTXH trên tuyến giao thông đường thủy nội địa; huy động xã hội hóa, nguồn lực tài chính của địa phương, sự đóng góp của nhân dân để xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”
Thứ 4, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực TTATGT thủy nội địa, thường xuyên tổ chức kiểm tra và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện theo quy định khi tham gia hoạt động thủy nội địa. Lực lượng Cảnh sát giao thông đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông với tinh thần vì bình yên sông nước – mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân phục vụ...
Thiếu tướng Trần Quốc Trung,
Theo Csgt.vn