Vi phạm nồng độ cồn tăng nhanh ở khu vực nông thôn

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tới đây các lực lượng sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn trong giao thông, vừa tạo hiệu ứng tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, vừa răn đe những người uống rượu, bia vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo ông Khuất Việt Hùng, hiện tại, nhiều địa phương đang áp dụng mô hình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Mục tiêu không chỉ xử phạt mà ngăn ngừa hành vi vi phạm.

“Công tác triển khai xử lý vi phạm nồng độ cồn vẫn cần nghiên cứu, áp dụng phù hợp với từng địa phương, địa hình, tránh tổ chức đại trà, đồng loạt sẽ kém hiệu quả. Các đơn vị nên phối hợp, tổ chức đội hình chính quy toàn diện, tập trung vào thời gian cao điểm, địa bàn trọng điểm”, ông Hùng nói.

Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý hành chính gần 4 triệu trường hợp vi phạm ATGT. Trong đó, có tới 200 nghìn trường hợp liên quan đến vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Điển hình là những địa phương có số vi phạm cao như: Bình Phước 5.027 trường hợp; Đồng Tháp 6.940 trường hợp, Bắc Giang 1.843 trường hợp.

Nhận định về tình hình vi phạm giao thông liên quan đến rượu, bia hiện nay, Thiếu tướng, PGS. TS. Nguyễn Minh Chất, Phó giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho hay, các trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đang có dấu hiệu giảm dần, nhưng lại đang gia tăng tại những vùng nông thôn, đặc biệt là các dịp nghỉ hè và ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, việc cưỡng chế người dân ở khu vực này rất khó. Một người bị bắt, có thể cả làng hoặc cả gia đình ra xin xỏ, gây khó dễ cho người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền của những đợt ra quân.

CSGT sẽ trang bị thêm các thiết bị xử lý nồng độ cồn

Ông Lê Việt Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh An Giang có không dưới 50% số vụ vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. “Dù địa phương đã áp dụng các phương pháp xử lý, mô hình theo kinh nghiệm của nước ngoài, tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều hạn chế như: Việc tuyên truyền còn mang tính khuôn sáo, chưa phù hợp với nhận thức của phần lớn người dân; quân số huy động cho một ca kíp làm nhiệm vụ khá đông (12 người/kíp trực) dẫn tới sự lãng phí về cả nhân lực và thời gian; công nghệ phát hiện sớm các đối tượng có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn từ việc đo tốc độ mới chỉ khả thi ở các trục đường lớn, đường quốc lộ, rất khó áp dụng với các tuyến đường nhỏ lẻ (đường liên huyện, liên xã)”, ông Cường chia sẻ.

Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội Các doanh nghiệp rượu châu Á - Thái Bình Dương vừa tổ chức chương trình tập huấn nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Chương trình được thực hiện tại 12 địa phương: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Bắc Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham gia tập huấn, 494 học viên đã được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế bao gồm: Quy định pháp lý về sử dụng rượu, bia; chiến thuật phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn; sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn, cách điền phiếu ghi chép kết quả kiểm tra nồng độ và báo cáo kết quả.

Theo Trung tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh Bắc Giang, hầu hết các tuyến đường bộ trong tỉnh còn nhỏ, hẹp, không đủ mặt bằng để tổ chức kiểm tra, xử lý, lực lượng huy động lại đông nên nếu không sắp xếp hợp lý, chính người thi hành công vụ lại trở thành nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên đường.

“Đường sá của Việt Nam có cấu trúc hình xương cá, trên một trục đường lớn có hàng trăm đường nhánh nhỏ để “cứu cánh” cho những đối tượng bị phát hiện. Mặt khác, có rất nhiều người uống rượu, bia khi bị gọi vào kiểm tra cố tình chống đối bằng cách không thổi hoặc có thổi nhưng không đủ hơi. Tổ tuần tra lại thiếu trang thiết bị như: Máy đo nồng độ cồn, camera giám sát làm tư liệu, bằng chứng xử lý. Tất cả những yếu tố đó đang trở thành rào cản lớn khiến lực lượng chức năng liên tục phải tìm những phương án hữu hiệu để giải quyết”, ông Phục nói.

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, Thiếu tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Kế hoạch 2329, thực hiện chương trình kiểm soát nồng độ cồn giai đoạn 2016-2020. Theo ông Công, tới đây Cục CSGT sẽ trang bị thêm các thiết bị như: Máy đo nồng độ cồn, camera giám sát, phục vụ cho lực lượng thi hành công vụ để nâng cao tính minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với quá trình lực lượng xử lý vi phạm.

Theo Báo Giao thông