Hiện, đã có 31/36 gói thầu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được triển khai với tiến độ đạt trên 70%.

Trước việc xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, các nhà thầu thi công dự án trọng điểm ở khu vực phía Nam đang rốt ráo thực hiện những biện pháp mạnh để đảm bảo vừa chống dịch, vừa đảm bảo tiến độ thi công.

Sẵn sàng nhiều phương án dự phòng

Sau khi 2 ca dương tính với SAR-CoV-2 là nhân viên làm việc tại phòng điều hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận được phát hiện, lập tức các phương án chống dịch được kích hoạt tối đa.

Tổng cộng có 76 người được đưa đi cách ly tập trung và 163 người cách ly tại chỗ. Ngành Y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 1.500 người tại 7 địa điểm trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hai gói thầu XL-11A, XL-13 đang được phong tỏa. Tỉnh Tiền Giang cũng đã thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 12/6.

Những ngày qua, khi phải ở trong khu cách ly tại huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Tấn Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận rất sốt ruột vì dự án đang trong quá trình đẩy mạnh thi công.

Ông Đông cho biết, nhiệm vụ trước mắt là tập trung chống dịch, nhưng cũng không để công việc gián đoạn. Tập đoàn Đèo Cả đã có những phương án dự phòng để đối phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Một ê-kip của tập đoàn được điều phối từ các vùng dự án không bị ảnh hưởng dịch bệnh, ngay lập tức trám vào các vị trí đang phải cách ly tiếp tục điều hành dự án, để mọi hoạt động không bị ngưng trệ. Doanh nghiệp dự án cũng chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát khoanh vùng dịch, bố trí nhân sự phù hợp, tăng cường máy móc thiết bị để thi công ngày đêm đủ 3 ca/ngày.

“Hiện, đã có 31/36 gói thầu của dự án đã được triển khai với tiến độ đạt trên 70%. Còn 5 gói thầu gồm trạm thu phí, ITS, chiếu sáng, cầu vượt và đường gom bổ sung sẽ triển khai theo tiến độ. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh, Ban điều hành dự án vẫn đặt mục tiêu bám tiến độ là phải thông xe kỹ thuật trong tháng 11/2021”, ông Đông thông tin.

Ngay sát cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhiều gói thầu của dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng đang vào guồng tiến độ. Tuy nhiên, khi có thông tin phát hiện người nhiễm Covid-19 tại dự án cao tốc, Ban điều hành dự án, công nhân, cán bộ kỹ thuật trên công trường cầu Mỹ Thuận 2 không khỏi lo lắng.

Ông Nguyễn Thái Hà, Trường phòng điều hành dự án 2 (Ban QLDA 7) cho biết, dự án có một trường hợp là F2 đã được yêu cầu ở nhà. Tại công trường, các gói thầu vẫn thi công bình thường nhưng được kiểm soát nghiêm ngặt. Các công nhân, cán bộ kỹ thuật chỉ làm việc bên trong, không được ra ngoài. Các đơn vị cung cấp vật liệu đến công trường phải khai báo y tế, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.

“Đây là dự án quan trọng nên việc thi công vẫn phải thực hiện bình thường, nhưng áp dụng biện pháp kiểm soát y tế chặt chẽ theo quy định”, ông Hà nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Tường, Giám đốc điều hành của Liên danh nhà thầu thi công gói XL03 cho biết, trên công trường gói thầu có 70 cán bộ kỹ sư, công nhân làm việc ngày đêm.

Các biện pháp phòng dịch được thực hiện nghiêm ngặt. “Trước đây, sau giờ làm việc, công nhân, kỹ sư thường đi chơi thể thao ở các khu vực lân cận. Nhưng nay áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, chỉ làm việc xong rồi về nghỉ ngơi trong các khu mà nhà thầu đã thuê, tuyệt đối không được đi ra ngoài”, ông Tường cho biết.

Vẫn tổ chức thi công 24/24h

Dự án nâng cấp, cải tạo đường cất/hạ cánh và đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất đang triển khai bước 2 vào giai đoạn nước rút. Cùng thời điểm này, tại TP HCM xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 rất phức tạp. Sát ngay bên cạnh, quận Gò Vấp đã phải giãn cách 15 ngày.

Trên công trường, các nhà thầu huy động cùng lúc 15 mũi thi công với trên 100 thiết bị máy móc thiết bị. Có khoảng 600 công nhân, lái máy và khoảng 150 kỹ sư làm việc ngày đêm.

Ông Trần Bình An, Trưởng phòng Điều hành dự án 1, (Ban QLDA Mỹ Thuận) cho biết, bước 2 của dự án bắt đầu thi công đồng loạt đầu tháng 3 năm nay, tiến độ dự án hiện đạt gần 40%.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dự án đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm tra công nhân, kỹ sư khi vào công trường nhằm tuân thủ tuyệt đối phương án phòng chống dịch bệnh. Toàn bộ cán bộ, nhân viên, lái máy, công nhân được tập trung bố trí ăn ở và làm việc trong dự án, duy trì ổn định nhân sự và giữ nguyên vị trí.

“Mỗi đơn vị chỉ cho phép cử người được cấp phép ra ngoài thực hiện các công việc quan trọng, cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ công trường”, ông An nói và cho biết, dù dự án gặp nhiều khó khăn như thời tiết không thuận lợi, vướng một số thủ tục và dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên tập thể Ban QLDA, tư vấn giám sát, tư vấn kỹ thuật, các nhà thầu thi công đang cố gắng vượt qua, tổ chức triển khai thi công 24/24h, không kể ngày nghỉ nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng cuối năm 2021 như chỉ đạo của Chính phủ.

Kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân

Ngày 11/6, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang có ý kiến đến Bộ Y tế xem xét hỗ trợ mua vaccine phòng ngừa Covid-19 dành cho khoảng 1.500 người là cán bộ, công nhân dự án. Kinh phí mua vaccine sẽ do doanh nghiệp dự án chi trả.

Ông Phan Duy Lai, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cũng cho biết, với những dự án quan trọng đang triển khai ở khu vực phía Nam, tiến độ được kiểm soát rất chặt theo từng tuần. Chỉ cần có một ca lây nhiễm xảy ra tại công trường sẽ ảnh hưởng đến tâm lý công nhân và tiến độ chung của dự án. Vì thế, nếu được quan tâm, tạo điều kiện để tiêm vaccine cho tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân, tiến độ thi công các dự án sẽ được đảm bảo ổn định hơn.

Theo Báo Giao thông