Chả phải ôn nghèo kể khổ đâu, nhưng thế hệ 6x-7x đều biết, ở thập niên 80-90 cái gì cũng thiếu thốn, việc mơ ước có chiếc xe máy chả khác gì bây giờ người ta mơ lên vũ trụ. Thời đấy chỉ một số ít thủy thủ tàu viễn dương, những người đi công tác, xuất khẩu lao động hoặc những gia đình cực khá giả mới có điều kiện để mua cho mình một chiếc xe máy. 

Lúc đó, giải xổ số kiến thiết mà treo hình chiếc Babetta hay Java cho giải đặc biệt là kinh khủng khiếp lắm rồi bởi vì nó không chỉ là giấc mơ con con đối với mọi nhà nữa, nó kích động lòng người gấp hàng trăm lần giải Jackpot tiền tỷ bây giờ.

Chiếc xe máy đầu tiên về nhà tôi giữa thập niên 8x là chiếc Minsk bố tôi gửi về từ Nga. Hồi đó tôi mới vào cấp 3 nên việc cưỡi con "trâu sắt" đấy là bất khả thi. Lúc đấy chỉ ước sao mình thành Thánh Gióng thì may ra mới trèo lên lưng con trâu thô kệch có biểu tượng cánh cò trắng này được. Sau đấy, nó bị bán cho "lái" với hơn 4 chỉ vàng xanh mướt mà xưa người ta hay gọi là vàng trao đổi. 

Honda Cub là mẫu xe máy khá đắt tiền thời điểm bao cấp

Vậy là tôi vẫn chưa có xe. Nhưng chả sao, tôi thích vậy chứ thực ra nó chưa bao giờ là của tôi cả nghĩa đen lẫn bóng. Với tôi ở thời điểm đấy âm nhạc vẫn có gì đó lôi cuốn hơn chiếc xe máy nhiều.

Đến khi gần hết cấp 3, ước mơ của tôi vẫn là một chiếc dương cầm, nói là ước mơ vì cây đàn đó thực sự rất đắt tiền, tôi có nhờ bố tìm mua hộ bên Nga vì ở ta không hề dễ kiếm. Chiếc đàn ghi ta (mậu dịch) được bố mua tặng từ cấp 2 vẫn còn đó. Nhưng cuối những năm cấp 3, tôi muốn thi vào trường nhạc hơn là học gì để đi kiếm được nhiều tiền.

Rồi một tin vui bay về qua lá thư bố gửi, cây đàn dương cầm bố có thể mua cho tôi nhưng khá đắt (hơn 1.200 USD). Tôi đọc thư của bố mà vui buồn lẫn lộn, vui vì có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ của mình nhưng cũng rất khó nghĩ vì số tiền đấy là quá lớn, nếu mua nó có lẽ cả gia đình sẽ không còn một khoản dự trữ nào. 

Thời bao cấp là kỉ niệm của rất nhiều thế hệ với những mẫu xe đầy kỉ niệm

Cuối cùng tôi cũng nhắn bố không mua đàn cho tôi nữa, thay vào đó nhà tôi sắm được một cái tủ lạnh Okean 180 lít và một cái bếp điện có lò nướng Meta. Tuy nhiên còn một điều khá bất ngờ mà bố chưa nói, tôi chỉ biết được điều bất ngờ ấy khi dỡ thùng hàng để kiểm hóa ở kho ngoại quan gần cảng.

Tôi thật sự không thể tin được, bố đã gửi về cho tôi chiếc xe tay ga của Nhật. Một chiếc Yamaha Jog trắng sứ làm tôi sững sờ khi tháo lớp chăn phủ ra. Nó là chiếc xe máy thứ hai về nhà tôi cuối năm 1988. Nhưng thật tiếc nó vẫn chưa phải là chiếc xe của tôi.

Và để tự kiếm tiền, tôi đã mạnh dạn vay vốn 800 USD của bố để đi buôn xe đạp. Tôi phải thuyết phục mãi mới được cấp vốn và đó cũng là lần đi buôn đầu đời của tôi khi còn học cuối cấp 3. Nhà tôi ngay gần cảng (Hải Phòng) và thời đấy buôn bán đồ cũ Nhật cực sầm uất. Do có ít quen biết và cũng là mấy chú mấy anh hàng xóm đi tàu nên tôi cũng bon chen mua được ít xe đạp mini 2 dóng Nhật.  

Set đồ ra phố thời bao cấp không thể thiếu chiếc xe Honda Cub

Hàng mới gần 200 USD một chiếc, tôi mang về nhà giao lại cho chủ tiệm xe trên Lê Lợi, Tô Hiệu... cũng lãi được dăm trăm nghìn. Sau đó thì cả đài cassette, giàn máy, loa, amply... tôi cũng mua về bán. Thời đó đồ Nhật cái gì mang về nhà cũng bán được hết. Do đã có ít kinh nghiệm bán hàng Nga bố gửi về mấy năm nên tôi cũng chẳng bỡ ngỡ gì việc này. Tất nhiên là vốn bé tí thì buôn bán cò con thôi chứ nhiều anh trong xóm tôi buôn cả xe hàng.

Kỳ cạch nhặt nhạnh tôi cũng thay cho mình cái đồng hồ Poljot bố tặng hồi thi vào lớp 10 bằng chiếc Seiko 5 đường băng. Nói thật, đeo vào thấy đã gì đâu, cái dây còn chả thèm cắt bớt mắt để cho mặt đồng hồ trễ xuống ngang mu bàn tay. Tôi cũng quên dần chuyện cái xe máy vì vẫn được đi ké. 

Nhiều món đồ thời bao cấp vẫn còn được nhiều người giữ tới bây giờ

Thế rồi một ngày đẹp trời, có một thanh niên ăn vận sang trọng lịch lãm nhìn là biết ngay ở Tây mới về, anh ấy cưỡi con xe yên liền đỏ chót đi theo tôi về tới tận nhà. Tôi cũng hoang mang chả hiểu lý do nhưng vì mải bị cái xe màu đỏ chót nó hút hồn nên cũng chả để ý gì khác. Tôi vừa dựng chống xe xong thì anh kia cũng xuống, bước lại ngắm nghía cái xe của tôi và đặt vấn đề luôn. Anh có đứa em gái đi học trường Trung cấp Tài Chính bên Kiến An, hơi xa nên muốn hỏi tôi xem có bán xe này không. Tất nhiên là tôi không thể tự quyết bán xe được, vì nó vẫn chưa phải là của tôi.

Bố mẹ thì đi làm chưa về nên tôi có hẹn anh ấy ngày mai quay lại, lúc hẹn anh ấy là đầu tôi đã lên sẵn kế hoạch rồi, "mình phải mua được chiếc xe màu đỏ chót kia". Ngày hôm sau, chiếc xe Yamaha lên đường cùng anh với giá gần cây vàng mà lại là vàng 99 chứ không phải vàng trao đổi xanh lét như mấy ông "lái" xe hay dùng. Giá đấy tôi nhẩm cũng chỉ rẻ hơn chiếc DJ đang cực thịnh cho nữ thời đấy vài chỉ vàng. 

Thú chơi xe cổ thời bao cấp đang trở lại

Tôi được xuống hạng với chiếc xe đạp Nga khung ngang cao nghễu nghện, kệ chả sao cả, xe nào đối với tôi cũng chỉ là cái phương tiện. Tôi dành thời gian buổi tối để đi học thêm về sửa chữa điện tử và tiếng Anh vì thời tôi cấp 2-3 toàn cày tiếng Nga. Thay vì mua đài sống đắt tiền lãi thấp, tôi mạnh dạn mua cả những cái đài "chết" (mua ko thử) về tự mày mò sửa cho nó "sống" rồi bán lại. Cách này có vẻ cho lợi nhuận khá hơn, gặp trường hợp khó quá thì mới đưa qua mấy bác thợ cao tay.

Dần già, tôi buôn cả tivi Nhật về thuê thợ làm giải mã để bán, hồi đó mấy chỗ dạy điện tử chưa truyền cho món nghề này vì nó còn khá "hot". Việc lắp ráp mấy cái amply dùng IC cho hàng xóm tôi thường chỉ giúp là chính chứ ko lấy công. Thời gian này tôi đang học lớp viễn thông hàng hải nên cũng có thời gian tìm hiểu thêm về mạch điện tử, nó thực sự là một nghề tay trái không phải vì kiếm tiền mà thiên về đam mê hơn.

Tôi cũng vì thế mà quên dần chuyện xe máy...

Độc giả Nguyễn Hiệp (VnExpress)