Nhập nhằng khái niệm dấu mạn khô và vạch dấu mớn nước an toàn

Trong văn bản kiến nghị số 261/CVĐTNĐKVI-PC gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I cho biết, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại vùng nước cảng, bến thủy nội địa, Cảng vụ đã gặp phải nhiều vấn đề vướng mắc. Cụ thể: QCVN 72:2013/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm pháp luật phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa, tại mục 1.3.4 Chương 1 phần 9 quy định: “Dấu mạn khô” phải được sơn màu trắng trên nền tối hoặc màu tối trên nền sáng trong đó đối với tàu vỏ thép thì dấu mạn khô phải được làm sẵn bằng thép dẹt và hàn cố định vào mạn tàu hoặc hàn chấm rồi sau đó quét sơn thích hợp.

Tuy nhiên, tại Điều 24 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa 2014 quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa lại ghi “kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn”. Như vậy: Về cách thức, Luật cho phép chủ phương tiện thủy nội địa được chọn một trong hai hình thức “gắn hoặc kẻ” vạch dấu mớn nước an toàn.

Về câu từ, trong văn bản QCVN gọi là “ Dấu mạn khô” còn Luật gọi là “vạch dấu mớn nước an toàn”.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cũng đã xử lý các phương tiện với lỗi vi phạm như: “ Để mờ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” theo điểm d khoản 1 điều 11 và lỗi “ Không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện”: theo điểm d khoản 2 điều 11 Nghị định 132/2015. Tuy nhiên trong quá trình xử phạt lại gặp phải những vướng mắc như sau: Thứ nhất, khi Cảng vụ phạt lỗi “ Không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” thì chủ phương tiện trình đủ giấy tờ của Cơ quan đăng kiểm xác nhận đã gắn, kẻ “dấu mạn khô”; và chủ tàu khẳng định “dấu mạn khô” chính là “vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện”. Như vậy, chủ tàu không vi phạm vì đã có gắn, kẻ “dấu mạn khô” nhưng bị bong ra khỏi mạn tàu hoặc bị mất dấu trong quá trình hoạt động chứ không phải “ Không gắn, kẻ”. Trong khi đó Nghị định 132/2015 không có quy định phạt lỗi “có gắn, kẻ dấu mạn khô nhưng bị bong hoặc mất dấu" mà chỉ có quy định phạt lỗi “để mờ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện”.

Thứ hai, mức xử phạt các lỗi “Để mờ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” và “Không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” rất thấp (từ 50.000 đ - 100.000 đ và từ 100.000đ - 200.000đ) nên không đủ sức răn đe.

Thứ ba, trong các lỗi vi phạm “để mờ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” và “Không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” đều không có chế tài bổ sung; khi khắc phục phải mời cơ quan Đăng kiểm để xác định đúng vị trí, kích thước... trước khi gắn, kẻ “Dấu mạn khô” vì chủ tàu không tự ý gắn, kẻ được; do vậy nếu Cảng vụ giữ tàu để yêu cầu khắc phục các lỗi này sẽ làm mất rất nhiều thời gian và gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vận tải thủy.

Phương tiện chở hàng hóa vượt quá vạch dấu mớn nước toàn. Ảnh minh họa

Cần sớm thống nhất và tăng mức xử phạt

Trước những bất cập trên, Cảng vụ ĐTNĐ KVI đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam ban hành hướng dẫn về từ ngữ giữa Luật giao thông ĐTNĐ và các văn bản của cơ quan Đăng kiểm để thống nhất về bản chất của “Dấu mạn khô” và “vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện”

Thứ hai, khi sửa đổi Nghị định 132/2015 cần tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về “ Không kẻ, để mờ ... vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện”.

Thứ ba, việc có quá nhiều phương tiện thủy nội địa không gắn, kẻ hoặc để mờ “vạch dấu mớn nước an toàn” đã gây khó khăn trong việc phát hiện phương tiện chở hàng vượt quá trọng tải đăng kiểm; vì muốn xác định chính xác tàu có chở quá tải hay không cán bộ Cảng vụ thường phải đo thực tế mạn khô và đối chiếu với giấy chứng nhận ATKT của phương tiện nên mất nhiều thời gian, công sức.

Theo tapchigiaothong.vn Khánh Ngọc st