Ngày 01/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công an tổ chức hội nghị bảo đảm TTATGT, TTXH đường thủy nội địa năm 2017 khu vực phía Nam. Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị.  Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Cục CSGT, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Ban giám đốc Công an các địa phương khu vực phía Nam, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục CSGT và Phòng Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT Công an các địa phương khu vực phía Nam. 

Toàn cảnh hội nghị

Hiện nay, với trên 6.500 km sông kênh đang khai thác vận tải. Mạng lưới sông kênh với mật độ lớn thông ra biển theo nhiều cửa sông tạo thành các trục vận tải thuỷ thuận lợi. Khác với phía Bắc, các tuyến đường thủy phía Nam với chế độ bán nhật triều, lượng mưa hàng năm lớn tạo nên nguồn nước dồi dào, ít bão, lũ đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác giao thông vận tải kéo dài quanh năm. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, TTATGT đường thủy vẫn đang tồn tại những khó khăn, bất cập.

Tại hội nghị, lãnh đạo Công an các địa phương khu vực phía Nam đã đề cập những tồn tại khó khăn trong quá trình triển khai lực lượng bảo đảm TTATGT, TTXH trên đường thủy nội địa. Từ những khó khăn xuất phát từ nội tại đặc thù riêng có của sông nước như chế độ thủy văn, khí hậu, giao thông còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và thời tiết... cho đến những tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát đường thủy, cơ chế và công tác phối hợp bảo đảm TTATGT, phòng chống tội phạm trên mặt nước.

Vĩnh Long là trung tâm giao lưu hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long, có 91 tuyến đường thuỷ nội địa với tổng chiều dài là 664,4 km. Với đặc thù sông nước nên hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách bằng đường thuỷ không ngừng phát triển, các phương tiện thủy hoạt động đa dạng, phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội, nhất là đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu trên sông thời gian qua chưa thực hiện tốt do đó tình hình hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy; khai thác cát sỏi lòng sông trái phép... đang là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.

Các tuyến sông biên giới, mảnh đất "màu mỡ" cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm.

Khác với Vĩnh Long, Đồng Tháp có đặc thù đường biên giới giáp Campuchia dài 50,5 km, trong đó có 40 km biên giới giáp với các tuyến sông tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất "màu mỡ" cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng không hóa đơn chứng từ, nhất là ở khu vực biên giới. Hầu hết đối tượng vận chuyển thường là người dân lao động nghèo, làm thuê, làm mướn sinh sống trong khu vực biên giới, vì hám lợi bị các đối tượng đầu nậu lợi dụng thuê mướn vận chuyển. Việc bắt giữ xử lý đối với đối tượng là chủ mưu, chủ hàng gặp rất nhiều khó khăn. Một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ý chức chấp hành pháp luật chưa cao, phổ biến là vi phạm chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn, một phần là do lợi nhuận, phần còn lại do nếp sống, nếp nghĩ kiểu lái tàu thuyền "cha truyền, con nối" đã ăn sâu bám rễ trong ý thức người tham gia giao thông đường thủy.

Đường thủy nội địa khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên nhiều mặt cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tập trung nhiều phương tiện thủy các loại, nên đường thủy TP.Hồ Chí Minh ẩn chứa nhiều phức tạp về ATGT cũng như TTXH. Thời gian gần đây nổi lên tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển, cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông Đồng Nai địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, lén lút, có lúc công khai và rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị truy bắt gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự...

Đường thủy nội địa khu vực Thành phố Hồ Chí Minh là động lực thúc đẩy sự phát triển cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Hội nghị đã nhìn nhận thực tế để đánh giá đúng thực trạng tình hình TTATGT, TTXH trên đường thủy hiện nay:  TNGT đường thuỷ mặc dù đã được kiềm chế nhưng kết quả chưa ổn định, tỷ lệ các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản vẫn xảy ra gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng khai thác cát, sỏi, gian lận thương mại trên đường thủy phức tạp kéo theo gây rối trật tự, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp ... nhất là các địa bàn các tuyến giáp ranh. Tình trạng xâm ngập mặn, sạt lở ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, khai thác khoáng sản, đánh bắt thủy hải sản..., diễn ra nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường thủy, cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân làm ăn, sinh sống trên và ven sông. 

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tham luận đề xuất cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó tập trung vào các vấn đề như:  Tăng cường biên chế CBCS cho các đơn vị trực tiếp làm công tác TTKS giao thông đường thủy để đủ điều kiện khép kín địa bàn, nhằm kéo giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường thủy. Do đặc thù địa hình sông nước, đề nghị Bộ Công an có văn bản quy định không điều chuyển cán bộ chiến sĩ đã qua tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát đường thủy làm nhiệm vụ khác, nhằm đảm bảo đủ lực lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ trên các tuyến đường thủy. Chú trọng tới việc phân cấp cho Công an cấp huyện quản lý hoạt động bảo đảm TTATGT đường thủy. Trang bị và quản lý, sử dụng tốt, đạt hiệu quả công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm.

Bên cạnh đó, đề xuất việc nâng cao hiệu lực trong công tác quản lý Nhà nước để đảm bảo tính hiệu quả răn đe trong việc xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép hiện nay theo hướng tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về hành vi khai thác cát, sỏi trái phép, không phân định về khối lượng khoảng sản (cát) đã khai thác. Kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền ngừng cấp phép các dự án nạo vét theo hình thức tận thu, bù chi phí nạo vét, không sử dụng ngân sách nhà nước. Cần phân cấp cho địa phương trong việc chủ động kiểm tra, rà soát và quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản do địa phương quản lý  và cần có sự vào cuộc đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt sâu sát của nhiều cấp, nhiều ngành trong công tác phối hợp giữa các lực lượng đối với hoạt động kiểm soát khai thác khoáng sản trên tuyến đường thủy nội địa... 

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Kết luận Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an biểu dương những thành tích của lực lượng Cảnh sát đường thủy, đồng thời nhấn mạnh: Với vai trò là lực lượng nòng cốt của Bộ Công an thực hiện công tác bảo đảm TTATGT, TTXH trên đường thủy nội địa, lực lượng Cảnh sát đường thủy cần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách để ngăn chặn TNGT hàng hải và đường thủy nội địa. Tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương phát huy lợi thế của giao thông vận tải thủy trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp với tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm. Làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm trên đường thủy. Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành  để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT-TTXH.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT khẳng định: Lực lượng Cảnh sát đường thủy sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ công an. Đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung để tham mưu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, qua đó phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT-TTXH trên đường thủy nội địa.

Kết quả của Hội nghị hai miền Nam - Bắc sẽ là cơ sở để Lãnh đạo Bộ Công an đánh giá, chỉ đạo toàn diện mọi mặt trong công tác bảo đảm TTATGT-TTXH trên đường thủy. Từng bước xây dựng lực lượng CSGT đường thủy chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới./. 

Theo Cục CSGT