Lái xe hay điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng say xỉn, có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép là một hành vi vi phạm pháp luật tại các quốc gia trên thế giới. Hành vi này ẩn chứa nhiều hiểm họa cho sự an toàn và tính mạng của người lái xe và những người tham gia giao thông khác. Để hạn chế tình trạng này bằng những biện pháp răn đe pháp luật, mỗi quốc gia trên thế giới lại có những quy định pháp luật riêng biệt.

Luật pháp Trung Quốc có những quy định cực kỳ nghiêm khắc về hình phạt đối với các vi phạm luật an toàn giao thông.

Trung Quốc

Nếu lái xe bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80mg/100ml khí thở trở lên sẽ bị khép vào hành vi lái xe trong trạng thái say rượu, bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe và trong 5 năm không được cấp bằng trở lại. Thậm chí, nếu lái xe say xỉn gây ra tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và suốt đời không được cấp bằng lái xe.

Hong Kong

Nếu lái xe bị phát hiện khi điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,22mg/1 lít khí thở, họ sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị tù giam đến 3 năm. Các lái xe vi phạm phải học một lớp cải thiện kiến thức lái xe bắt buộc.

Nhật Bản

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi bạn bị bắt và cảnh sát phát hiện bạn đang say xỉn ở quốc gia này. Sau các bước xét nghiệm, nếu nồng độ cồn trong bạn vượt ngưỡng 0,15mg/1 lít khí thở, bạn có thể bị phạt đến 3 năm tù giam hoặc phải trả số tiền phạt lên tới 500.000 yên Nhật, tương đương hơn 102 triệu đồng.

Cảnh sát giao thông Nhật Bản sẽ xử phạt cả những người để cho người khác uống rượu và cho họ cầm lái.

Pháp luật xứ sở hoa anh đào quy định “ngưỡng cho phép” nồng độ cồn trong cơ thể lái xe khá thấp so với thế giới. Cảnh sát có quyền xử phạt cả những người liên quan đến hành vi phạm tội này. Bạn bè hoặc người khác thực hiện hành vi hỗ trợ và can thiệp vào tội phạm bằng cách cung cấp rượu, bia, xe ô tô cho người lái xe say xỉn cũng bị xử phạt. Nếu biết tài xế đã rơi vào tình trạng say xỉn mà bạn vẫn để họ cầm lái, thì bạn có thể bị phạt số tiền lên tới 300.000 yên Nhật, khoảng 60 triệu đồng.

Ấn Độ

Nếu nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá mức quy định thì lái xe sẽ bị phạt tù 6 tháng và buộc nộp phát 2000 Rupi, khoảng hơn 700.000 nghìn đồng ở lần vi phạm đầu tiên. Lần thứ hai vi phạm trong vòng 3 năm, người vi phạm sẽ bị phạt 2 năm tù giam và phải nộp phạt 3000 Rupi, khoảng hơn 1 triệu đồng.

Colombia 

Đây là quốc gia có những hình phạt nặng nề nhất đối với những người lái xe trong tình trạng say rượu, bia. Pháp luật nước này sử dụng chính sách “không khoan dung” với loại vi phạm này. Cụ thể, nếu lái xe điều khiển phương tiện ô tô trong tình trạng có nồng đồ cồn từ 20 đến 39mg/1ml máu thì họ sẽ bị treo giấy phép lái xe trong một năm, buộc phải nộp phạt 914 USD, khoảng hơn 20 triệu đồng và 20 giờ làm công việc phục vụ cộng đồng.

Colombia rất nghiêm khắc trong việc “trừng trị” những tài xế lái xe khi đang say.

Ở mức hình phạt cao, nếu lái xe có nồng độ cồn vượt quá 150mg/100ml máu thì sẽ bị tịch thu bằng lái trong 10 năm, buộc phải trả số tiền phạt tương đương 165 triệu đồng và buộc lao động công ích 50 giờ đồng hồ. Nếu một người lái xe trong tình trạng say xỉn gây tai nạn, thương tích và tử vong cho người khác thì họ sẽ phải đối mặt với án tù từ 2 năm rưỡi đến 18 năm.

New Zealand

Trong khi đó tại New Zealand, pháp luật nước này từ lâu đã thực hiện chương trình Kiểm tra hơi thở bắt buộc, cho phép cảnh sát dừng xe đang chạy bất cứ lúc nào để kiểm tra nồng độ cồn trong cơ thể tài xế. Việc này còn được áp dụng để thử chất ma túy.

Pháp luật New Zealand quy định các mức phạt khác nhau đối với hành vi lái xe khi say rượu theo từng lứa tuổi. Mức phạt nhẹ nhất là nộp phạt 200 USD New Zealand, nặng nhất là 5 năm tù giam.

Anh quốc

Lái xe trong tình trạng say xỉn có thể khiến tài xế chịu tổng hợp các hình phạt tù giam, phạt tiền và truất quyền tham gia giao thông trong một thời gian nhất định. Phạm tội lần hai, lần ba... thì mức hình phạt sẽ được tăng lên.

Ở trường hợp gây tử vong cho người khác do lái xe bất cẩn dưới ảnh hưởng của bia, rượu, chất kích thích thì người vi phạm có thể phải 14 năm tù giam, cấm lái xe 2 năm và buộc phải vượt qua một kỳ thi lái xe kéo dài để có thể lái xe hợp pháp trở lại.

Một biển hiệu cảnh báo tác hại của bia, rượu đối với những tài xế.
Mỹ

Ở quốc gia với  nhiều tiểu bang, ngoài pháp luật liên bang thì mỗi đơn vị hành chính này lại có một cách “điều trị” với loại vi phạm luật giao thông này. Tại California hay Florida, hình phạt với tài xế lái xe trong tình trạng say xỉn sẽ bị tăng nặng nếu như trên xe ô tô có trẻ nhỏ.

Tại New York, Texas hay Hawaii, một đạo luật mang tên “Dram Shop” ra đời để quy trách nhiệm liên đới đối với các cá nhân hoặc cửa hàng bán bia, rượu cho người nghiện rượu hoặc trẻ vị thành niên mà sau đó khách hàng của họ lái xe trong khi say và gây tử vong, thương tích cho bên thứ ba.

Tài xế từ chối việc xét nghiệm nồng độ cồn của cảnh sát cũng được quy định là một hình thức tăng nặng hình phạt đối với pháp luật của các bang như Arkansas, Kansas, Washington,...

Nguồn: vnexpress.net